Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp 65 năm Quốc khánh Malaysia tối 30/8, Thủ tướng nước này Ismail Sabri Yaakob khẳng định tăng trưởng kinh tế mà quốc gia Đông Nam Á đang đạt được là kết quả của chính sách tài khóa mở rộng thông qua ngân sách 2022, chính sách tiền tệ hiệu quả, quá trình mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế cũng như mở cửa biên giới.
Thủ tướng Ismail Sabri nhấn mạnh với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2/2022 đạt 8,9%, Malaysia có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.
[Malaysia duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp nhất thế giới]
Bên cạnh đó, niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế này ngày càng được củng cố, thể hiện qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng (FDI) đạt 41,7 tỷ RM (9,32 tỷ USD) so với con số 23,3 tỷ RM (5,31 tỷ USD) trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nhà lãnh đạo Malaysia cũng nhấn mạnh động lực phục hồi kinh tế không chỉ thể hiện qua tăng trưởng GDP mà còn qua sự phục hồi của thị trường việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,3% vào tháng 5/2020 xuống 3,8% vào tháng 6/2022.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Abdul Aziz cho biết quốc gia Đông Nam Á này sẽ chi khoảng 80 tỷ RM (17,88 tỷ USD) cho các khoản trợ cấp trong năm 2022 nhằm duy trì mục tiêu lạm phát.
Tính chung 7 tháng năm 2022, tỷ lệ lạm phát của Malaysia ở mức 2,8%, nằm trong mục tiêu đề ra của ngân hàng trung ương nước này là từ 2,2% -3,2% trong năm 2022.
Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Abdul Aziz nêu rõ tỷ lệ lạm phát của Malaysia hiện đang ở mức thấp so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia (4,9%), Philippines (6,4%), Singapore (7%) và Thái Lan (7,6%).
Bộ trưởng Abdul Aziz khẳng định tỷ lệ lạm phát của Malaysia là một trong những mức thấp nhất trên thế giới và là kết quả của các khoản trợ cấp.
Dẫn số liệu từ Cục Thống kê Malaysia, Bộ trưởng Tài chính Malaysia cho biết nếu không có các khoản trợ cấp của chính phủ, tỷ lệ lạm phát của Malaysia có thể cao hơn 12%./.