Ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) của Libya, ông Abdulhamid Dbeibah đã trở lại chủ trì cuộc họp nội các sau khi cuộc bầu cử tổng thống bị trì hoãn.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, cuộc bầu cử - lẽ ra được tổ chức vào ngày 24/12 vừa qua - là nỗ lực hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm đưa Libya thoát khỏi một thập kỷ xung đột kể từ khi nhà lãnh dạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.
Nhưng quá trình này đã bị chệch hướng bởi những tranh cãi liên quan đến các ứng cử viên và khung pháp lý cho cuộc bầu cử. Tư cách ứng cử viên tổng thống của Thủ tướng Dbeibah là một nguyên nhân chính dẫn đến bất đồng trong quá trình xúc tiến kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử.
Ông Dbeibah đã rời bỏ vị trí thủ tướng để ra ứng cử, mặc dù trước đó ông tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử. Trong khi đó, chính quyền của ông, có trụ sở tại thủ đô Tripoli, được giao nhiệm vụ đảm bảo thành công cho cuộc bầu cử.
Theo kế hoạch ban đầu, chính phủ lâm thời sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 24/12, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử. Nhưng Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Tripoli đã tuyên bố tiếp tục công nhận GNU là cơ quan có nhiệm vụ dẫn dắt quá trình bầu cử của nước này và không tán thành việc thành lập các chính phủ hoặc thể chế song song.
Ngoài ra, Anh cùng với Pháp, Đức, Italy và Mỹ ngày 24/12 đã ra tuyên bố chung khẳng định rằng việc chuyển giao quyền lực từ GNU sang cơ quan hành pháp mới sẽ diễn ra sau khi kết quả bầu cử được công bố.
Trước đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia cấp cao (HNEC) đã công bố đề xuất hoãn cuộc bầu cử tổng thống tới cuối tháng 1/2022, thay vì ngày 24/12 năm nay, nhấn mạnh rằng sẽ rất rủi ro nếu ấn định thời điểm mới tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào giai đoạn này.
[Libya: Các bên đổ lỗi cho nhau về sự thất bại của kế hoạch bầu cử]
HNEC khuyến nghị đặt ra "một lộ trình mới, thực tế và có thể áp dụng, với các giai đoạn được xác định, thay vì chọn ra ngày mới và lặp lại các sai lầm tương tự,” đồng thời đề xuất thành lập một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới, đồng thời kêu gọi cải tổ chính phủ của Thủ tướng Dbeibah.
Việc tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Libya đã được lên kế hoạch vào năm 2020 thông qua một lộ trình chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ, trong khuôn khổ kế hoạch chấm dứt tình trạng bất ổn và bạo lực kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.
Quốc hội Libya đã được bầu năm 2014 nhưng chia rẽ ngay sau đó, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi bị chia tách giữa hai phe đối địch ở miền Đông và miền Tây./.