Thủ tướng Libya: Bầu cử có thể giải quyết xung đột chính trị

Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do Liên hợp quốc hậu thuẫn, ông Fayez al-Sarraj khẳng định việc tổ chức một cuộc bầu cử có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.
Thủ tướng Libya: Bầu cử có thể giải quyết xung đột chính trị ảnh 1Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj (phải) và Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano (trái) trong cuộc gặp tại Tripoli ngày 23/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 23/12, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano tại thủ đô Tripoli, Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do Liên hợp quốc hậu thuẫn, ông Fayez al-Sarraj khẳng định việc tổ chức một cuộc bầu cử có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn lời Thủ tướng Sarraj nêu rõ, Ủy ban bầu cử của Libya đã bắt đầu việc đăng ký cử tri và chuẩn bị cho các hoạt động bầu cử dự kiến diễn ra trong năm tới, sau khi Hiến pháp mới và Luật bầu cử đã được thông qua.

Có một số bên không được chấp nhận tham gia vào tiến trình chính trị vì những lo ngại “làm phức tạp thêm tình hình” vốn đang thu hút được sự quan tâm sâu sắc từ cộng đồng quốc tế.

Vài ngày trước đó, Tướng Khalifa Haftar - chỉ huy quân đội miền Đông Libya, tuyên bố thoả thuận chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ đã “hết hạn” sau 2 năm ký kết.

[Ngoại trưởng Pháp tới Libya thúc đẩy đàm phán do LHQ hậu thuẫn]

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame đã kêu gọi các bên liên quan tại nước này cần kiềm chế bất cứ hành động nào có thể tác động tiêu cực đến tiến trình chính trị.

Ông Salame cũng đã đề xuất một kế hoạch hành động hồi tháng 9 vừa qua nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya. Kế hoạch bao gồm sửa đổi thoả thuận chính trị hiện nay và tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống cũng như quốc hội nước này vào năm 2018.

Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi năm 2011. Quốc gia Bắc Phi này bị chia rẽ hai miền Đông-Tây với các chính phủ, quốc hội và các lực lượng vũ trang riêng. Trước tình hình đó, hiệp định do Liên hợp quốc làm trung gian được ký kết tại Maroc ngày 17/12/2015 đã giúp thành lập GNA trong 1 năm, và chỉ được gia hạn thêm 1 lần.

Tuy vậy, trên thực tế, Libya vẫn bị chia rẽ giữa một bên là GNA có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Sarraj lãnh đạo, với một bên là chính quyền đối lập do Tướng Haftar hậu thuẫn đóng tại miền Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục