Thủ tướng Lesotho hoãn kế hoạch nối lại hoạt động của Quốc hội

Thủ tướng Thabane đã giải tán cơ quan lập pháp từ hồi tháng 6 vừa qua nhằm tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thủ tướng Lesotho Thomas Thabane. (Nguồn: Getty)

Thủ tướng Lesotho Thomas Thabane ngày 8/9 quyết định hoãn kế hoạch nối lại hoạt động của Quốc hội mà ông mới tuyên bố như một giải pháp nhằm chấm dứt căng thẳng chính trị hiện nay tại vương quốc ở phía Nam châu Phi này.

Thủ tướng Thabane đã giải tán cơ quan lập pháp từ hồi tháng 6 vừa qua nhằm tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà các đối tác trong liên minh cầm quyền của ông đề xuất. Cùng với việc này là đề nghị sa thải Tư lệnh quân đội Trung Tướng Tlali Kamoli, và thay thế bằng Trung tướng Maaparankoe Mahao.

Chính quyết định này đã dẫn tới các cuộc tấn công của quân đội hôm 30/8, mà Thủ tướng Thabane cáo buộc là "đảo chính" khiến ông phải chạy sang Nam Phi ngày 1/9, và Tướng Kamoli bị cho là tham gia âm mưu này.

Sau khi về nước ngày 3/9 theo một thỏa thuận do Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) làm trung gian, Thủ tướng Thabane đã đề nghị Quốc Vương Lesotho Letsie III tái triệu tập họp Quốc hội, nhưng vẫn giữ quyết định sa thải tướng Kamoli. Tuy nhiên, tình hình trên thực tế vẫn căng thẳng sau khi có thỏa thuận trên.

Người phát ngôn của Thủ tướng cho biết ông Thabane đã hoãn việc nối lại các phiên họp Quốc hội để chắc chắn về việc ai đứng đầu quân đội. Ông Thabane cương quyết sa thải Tướng Kamoli, đồng thời cáo buộc Phó Thủ tướng Mothejoa Metsing, thuộc đảng Đại hội Dân chủ Lesotho (LCD - một đối tác trong liên minh cầm quyền), là người đứng đằng sau cuộc đảo chính vừa qua. Ông Metsing phủ nhận mọi dính líu.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn quân đội, Thiếu Tá Ntele Ntoli bác bỏ thông tin về việc Tướng Kamoli đã chiếm giữ vũ khí và chạy trốn cùng một nhóm binh sĩ lên khu vực miền núi để chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại chính quyền.

Nhằm hóa giải căng thẳng, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma có kế hoạch thăm Lesotho trong ngày 9/9, với vai trò một nhà trung gian hòa giải. Người phát ngôn của Tổng thống Zuma cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, ông sẽ tham vấn Quốc Vương Lesotho và tiến hành đối thoại với các lãnh đạo trong liên minh cầm quyền ở nước này để thúc đẩy quá trình thực thi Tuyên bố Windhoek - được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của SADC ở Zimbabwe về tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Lesotho, và nhiều quyết định khác của SADC.

Hiện, Nam Phi đang đảm đương chức Chủ tịch Cơ quan Chính trị - Quốc phòng và An ninh của SADC. Chuyến thăm của ông Zuma cho thấy một cam kết rõ ràng của SADC trong nỗ lực giúp Lesotho thoát khỏi khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục