Thủ tướng lâm thời Syria al-Bashir kêu gọi hòa bình và ổn định

Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp Syria, ông Mohammed al-Bashir nhấn mạnh, "giờ đây là thời điểm để người dân Syria được hưởng sự ổn định và yên bình."

Ông Mohammed al-Bashir, người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Ông Mohammed al-Bashir, người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 10/12, Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp Syria - ông Mohammed al-Bashir đã kêu gọi đất nước "hướng tới sự ổn định và yên bình."

Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi được phe đối lập bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời tới tháng 3/2025, ông al-Bashir nhấn mạnh "giờ đây là thời điểm để người dân Syria được hưởng sự ổn định và yên bình."

Tuyên bố trên của ông al-Bashir được đưa ra trong bối cảnh Syria bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Ông Abu Mohammed al-Jolani, lãnh đạo của lực lượng Hayat Tahrir al-Sham, đã thông báo tiến trình đàm phán về việc chuyển giao quyền lực, đồng thời cam kết truy tố các quan chức cấp cao thuộc chính quyền Assad về tội ác chiến tranh.

Ông al-Jolani khẳng định "Syria sẽ được tái thiết, đất nước sẽ tiến tới phát triển và ổn định." Ông đồng thời nhấn mạnh rằng "người dân đã mệt mỏi với chiến tranh và không muốn một cuộc chiến khác."

Được sự hỗ trợ của các nhóm đối lập, Thủ tướng chính phủ chuyển tiếp al-Bashir đã tiến hành cuộc họp nội các đầu tiên với sự tham gia của chính quyền lâm thời và các cơ quan từ chính phủ dưới thời ông al-Assad.

Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria. Tuy nhiên, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ hiện nay tại Syria vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

Quan ngại về tương lai chính trị của Syria, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều bày tỏ mong muốn chính phủ mới của quốc gia này phải là một "chính phủ bao trùm, không phân biệt tôn giáo" và phải cam kết bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ công nhận chính phủ mới tại Syria nếu họ đáp ứng được những tiêu chuẩn nêu trên. Ông cũng yêu cầu chính phủ mới phải đảm bảo "để Syria không là nơi ẩn náu của khủng bố."

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Đông Bắc Syria trong khuôn khổ nhiệm vụ chống khủng bố. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ thảo luận về tình hình Syria trong cuộc họp trực tuyến dự kiến vào ngày 13/12 tới.

Trong khi đó, các quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh: tuy đã có những lời kêu gọi đoàn kết và bao trùm đã được đưa ra, nhưng điều quan trọng là phải có hành động cụ thể và thực tế để xây dựng sự ổn định lâu dài.

Một trong những mối lo lớn là sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan và bạo lực tôn giáo. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cảnh báo rằng Syria phải tránh lặp lại những kịch bản thảm khốc của Iraq, Libya và Afghanistan. Bà nêu rõ: "Chúng ta không thể để Syria rơi vào vòng xoáy chiến tranh và bạo lực một lần nữa."

Ở thời điểm hiện tại, không khí tại thủ đô Damacus dường như có phần lạc quan hơn, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, khi Syria phải đối mặt với những thử thách lớn trong việc tái thiết đất nước sau 13 năm chiến tranh tàn khốc. Các ngân hàng và cửa hàng mở cửa trở lại. Trong khi đó, người dân, đặc biệt là những người tị nạn, bắt đầu quay trở lại quê hương sau nhiều năm sống xa xứ.

Về phần cựu Tổng thống Bashar al-Assad, giới chức Nga khẳng định ông được bảo vệ an toàn tại quốc gia này và sẽ không bị dẫn độ.

Trong một phát biểu với hãng tin RIA ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết ông al-Assad đã được cấp quy chế tị nạn và được bảo vệ an toàn tại Nga.

Thứ trưởng Ryabkov đồng thời nêu rõ Nga không phải thành viên Công ước Rome của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), do đó vấn đề dẫn độ không áp dụng đối với trường hợp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục