Tiếp theo buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chiều 23/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông đang là một trong những bức xúc hàng đầu của người dân trên địa bàn.
Tán thành với các đề xuất về phát triển, nâng cấp hạ tầng của thành phố, tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc, kiểm tra, giải quyết kịp thời vấn nạn ùn tắc giao thông trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là không để tình trạng vì lý do ùn tắc giao thông mà người dân không kịp về quê đón Tết như đã xảy ra vừa qua.
Hơn 320.000 tỷ đồng để chống ùn tắc
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho nhân dân đón Tết đã cơ bản hoàn thành đảm bảo cho người dân vui Tết, đón Xuân an toàn, vui tươi. Song, tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra tương đối nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trong năm 2016, trên địa bàn thành phố có 37 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông; trong đó, tập trung là các hướng ra vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cảng Cát Lái; khu vực trung tâm thành phố và các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô thành phố.
Tính đến giữa tháng 12/2016, Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý tổng cộng 622.137 xe ôtô và 7.266.088 xe môtô, tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2015. Khối lượng v ận tải hành khách công cộng trong năm 2016 chỉ đạt 567 triệu lượt hành khách, thấp hơn so với chỉ tiêu 600 triệu lượt đề ra. Tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn thành phố đi cùng mức tạo ra giao cắt tại 26 vị trí đường ngang gây ùn tắc mỗi khi có tàu chạy qua.
Hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mới chỉ có một lối ra vào duy nhất gây ra ùn tắc giao thông khu vực vào giờ cao điểm. Tốc độ lưu thông trung bình k hu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm sáng chỉ đạt 19km/h, giờ cao điểm chiều 18,0 km/h, giờ thấp điểm 20,9km/h.
Theo tính toán của Ủy ban Nhân dân thành phố, nhu cầu vốn triển khai các dự án phải triển khai ngay nhằm giảm ùn tắc giao thông trong năm 2017 là 38.308 tỷ đồng với hàng chục dự án khởi công và hoàn thành trong năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án, chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 là 323.937 tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế áp dụng cho một số công trình cấp bách, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực trên và cho phép thành phố chỉ định thầu đối với một số dự án thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.
Nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành đưa ra tại buổi làm việc cả giải pháp mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó đáng chú ý là nhiều ý kiến tán thành việc triển khai phát triển giao thông ngầm cho thành phố trên cơ sở kết quả khảo sát, thăm dò của quốc tế. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng kiến nghị thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông;” trong đó giao các đoàn thể vận động quần chúng chấp hành tốt hơn pháp luật về an toàn giao thông.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ùn tắc giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đang là vấn đề cấp bách, cần làm ngay và đang ở trong tình trạng báo động; trong đó, nguyên nhân chính là tốc độ tăng dân số cao hơn phát triển hạ tầng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có sự quyết liệt với một tầm nhìn trên tinh thần kỷ luật, kỷ cương và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, nhất là phát triển giao thông không đồng mức, mở rộng bãi đỗ, đô thị vệ tinh và hạn chế xây nhà cao tầng. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, xây dựng giao thông ngầm mới là giải pháp cơ bản, lâu dài chứ không phải cầu vượt chằng chịt trong thành phố.
Xử lý ngay tình trạng xe dù, bến cóc
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều đã có nhiều biện pháp hữu hiệu, quyết liệt với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng kết hợp với phong trào quần chúng để xử lý ùn tắc giao thông, song Thủ tướng cũng chỉ rõ, thực tế cho thấy, tình hình ùn tắc, số điểm ùn tắc vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư và đời sống người dân.
Đối với những giải pháp phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu và cả những phương án lâu dài, Thủ tướng đề nghị thành phố Hồ Chí Minh xử lý ngay tình trạng xe dù, bến cóc. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thành phố tập trung giải quyết các điểm đen, ùn tắc nghiêm trọng kéo dài, không để tái diễn ảnh hưởng đến an ninh trật tự bằng những biện pháp như phân luồng từ xa, hạn chế các phương tiện lưu thông theo các khung giờ; tổ chức ứng trực liên tục để điều khiển giao thông…
Về những biện pháp lâu dài, c ũng giống với Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tốt hơn công tác quy hoạch đô thị, hạn chế xây nhà cao tầng khi chưa có hệ thống giao thông ở khu vực trung tâm thành phố. Đi liền với đó là có biện pháp giảm số lượng phương tiện giao thông đang tăng quá nhanh, tăng cường hệ thống giao thông công cộng; tổ chức lại không gian vận chuyển cả trên cao, dưới mặt đất và ngầm hóa trong vận chuyển.
Huy động tư nhân tham gia xây dựng Metro
Đánh giá cao các đề xuất phát triển giao thông ngầm, Thủ tướng lưu ý giải pháp huy động tư nhân tham gia xây dựng Metro tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bởi phương án này có chi phí thấp hơn rất nhiều so với sử dụng nguồn vốn ODA mà vẫn đảm bảo hiệu quả và đặc biệt là không làm tăng trần nợ công. Thủ tướng chỉ đạo sau Tết Nguyên đán này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm có Đề án nghiên cứu về ngầm hóa giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức lại hệ thống chỉ huy giao thông để tăng cường khả năng kết nối, điều khiển với hiệu quả cao hơn. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao văn hóa giao thông cho người dân, giảm thiểu tình trạng chen lấn, đi trên vỉa hè gây ùn tắc giao thông; đồng thời tiếp tục tăng cường xử phạt vi phạm giao thông để răn đe, giáo dục, nhất là giới trẻ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý xây dựng một cơ chế thuận lợi, phân cấp, giao quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh để có hạ tầng tốt nhất xử lý ùn tắc giao thông với yêu cầu giải quyết một bước vấn nạn này trong thời gian ngắn là 9 tháng, lâu là 2 năm.
Thành phố phải chú ý đến việc hạn chế nhập cư vào trung tâm để tránh quá tải cho hạ tầng thông qua việc xây dựng các đô thị vệ tinh; xây dựng các giải pháp tính phí, lệ phí lưu thông ô tô trong trung tâm để hạn chế mật độ xe...
Đối với Sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng chỉ đạo thành phố hoàn thiện các phương án triển khai chống ùn tắc cả trước mắt và lâu dài, trong đó có cả các giải pháp về điều hành bay, giảm phí để khuyến khích bay đêm; mở rộng bãi đỗ cho tàu bay hạ cánh; xử lý tốt vấn đề đường ra của sân bay, báo cáo gấp trước ngày 25/2 để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư để đưa ra các giải pháp đồng bộ, xử lý căn cơ hơn tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao văn hóa giao thông của người dân.
Tán thành với các kiến nghị của thành phố, Thủ tướng yêu cầu việc triển khai các công trình, dự án phải đảm bảo công khai, minh bạch, chống thất thoát để đảm bảo niềm tin cho các nhà đầu tư. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan giải quyết các văn bản của thành phố trong thời hạn 21 ngày làm việc; phải có văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho thành phố giải quyết các vấn đề về hạ tầng, chống ùn tắc giao thông./.