Thủ tướng: Không để học sinh phải bỏ thi tốt nghiệp THPT vì khó khăn về kinh tế

Thủ tướng yêu cầu các địa phương hỗ trợ thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với phương châm không để học sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn về kinh tế, đi lại.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè.

Công điện gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền luôn đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và cả hệ thống chính trị đã tham gia và phối hợp với ngành Giáo dục để triển khai thực hiện các công tác này.

Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (gọi tắt là Kỳ thi) được an toàn, nghiêm túc, thật chu đáo; hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, học sinh trong kỳ nghỉ hè thật sự an toàn, hữu ích, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và quán triệt các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức có liên quan tham gia, phối hợp có hiệu quả với ngành Giáo dục để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

Các địa phương chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để triển khai biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Kỳ thi; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về ăn ở, đi lại cho học sinh đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, học sinh khuyết tật và học sinh tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai tham dự Kỳ thi với phương châm không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về kinh tế, đi lại.

Cơ quan chức năng chủ động các phương án để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cung ứng đầy đủ điện, nước sinh hoạt trong quá trình tổ chức kỳ thi; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi, đưa thông tin không đúng về Kỳ thi.

Thí sinh kiểm tra, rà soát thông tin cá nhân tại điểm thi. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Cấp, ngành, tổ chức, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ban Bảo vệ trẻ em các cấp tạo điều kiện để trẻ em, học sinh được vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, hữu ích trong dịp nghỉ hè, phối hợp với gia đình quản lý, giám sát trẻ em, học sinh trong thời gian không đến trường bảo đảm an toàn nhất là phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước và việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả Kỳ thi, trong đó: Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm đề thi chất lượng, chính xác, tuyệt đối an toàn, tập trung chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện Kỳ thi.Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Kỳ thi, phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho các trường hợp thí sinh và những người tham gia tổ chức Kỳ thi có vấn đề về sức khoẻ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác này.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trong không gian mạng.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc thực hiện Kỳ thi và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè theo Công điện này và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh./.

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm 2023). Thí sinh tự do có 46.978, chiếm 4,38% tổng số thi sinh.

Thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66%; những thí sinh còn lại đăng ký trực tiếp là thí sinh tự do và một phần nhỏ là học sinh lớp 12 không thể đăng ký trực tuyến vì nhiều lý do khác nhau.

Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927, chiếm 6,25%.

Có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi trong kỳ thi.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục