Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Mông Cổ, sáng 14/7, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ.
Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ, bà Burmaa Radnaa, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Mông Cổ.
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư tại diễn đàn, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn lớn, nhưng thực tế chưa tận dụng tốt tiềm năng này. Kim ngạch thương mại hai nước mới đạt khoảng 175 triệu USD.
Hiện nay, Mông Cổ đang có sự chuyển biến, tái cơ cấu mạnh mẽ trong hệ thống doanh nghiệp và đã chuyển đổi được 80% doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần hóa. Các doanh nghiệp Mông Cổ đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế thương mại với các quốc gia trên thế giới, trong đó có thị trường đầy tiềm năng trên nhiều lĩnh vực là Việt Nam.
Mông Cổ cũng đang đẩy mạnh việc nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng với việc xây dựng nhiều công trình cầu đường.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước bày tỏ quan tâm đến nhiều lĩnh vực hợp tác, kinh doanh như du lịch, xây dựng, khai khoáng, dệt may và nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.
Mông Cổ có thế mạnh trong chế biến, xuất khẩu thịt và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp đầu mối để xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Ngoài ra, giới doanh nghiệp cũng mong muốn chính phủ hai nước thiết lập chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ để tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu và hợp tác đa lĩnh vực giữa nhân dân hai nước, nhất là các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hai nước cũng cho biết đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam-Mông Cổ để tập hợp những doanh nghiệp có tiềm năng nhằm xúc tiến hoạt động hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông sản.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mông Cổ đang trên đà phát triển tốt đẹp, song kết quả hợp tác thương mại và đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên.
Thủ tướng khẳng định lãnh đạo chính phủ hai nước đã thống nhất tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; đặc biệt là việc kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp hai nước kết nối các dự án, chương trình phối hợp.
Giới thiệu về thị trường Việt Nam đầy tiềm năng đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam là thị trường lớn với trên 90 triệu dân, có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 200 tỷ USD. Hiện Việt Nam có khoảng 21.000 nhà đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ USD.
Việt Nam có quan hệ thương mại, đầu tư với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia 13 hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam còn là thành viên chủ chốt, là một trong những cửa ngõ của thị trường lớn ASEAN với trên 600 triệu dân. Việt Nam cũng là 1 trong 12 thành viên sáng lập Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định quy mô lớn dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian tới.
Việt Nam có nhiều mặt hàng nổi tiếng có thể xuất khẩu sang Mông Cổ như nông sản, thực phẩm, thủy, hải sản, rau quả, hàng điện tử... Ngược lại Việt Nam mong muốn đầu tư vào Mông Cổ trong lĩnh vực khai khoáng, công nghệ, du lịch và một số lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thế mạnh ở đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng lành nghề, nhiều kinh nghiệm có thể hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Mông Cổ trong xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng.
Chia sẻ với doanh nghiệp hai nước về vấn đề thách thức ở khoảng cách địa lý từ đó hạn chế trong khâu vận tải hàng hóa dẫn đến chi phí cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ hai nước sẽ bàn bạc, phối hợp với các quốc gia liên quan để tháo gỡ vấn đề này.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tới thăm Nhà máy len Gobi - cơ sở sản xuất với thương hiệu len Gobi nổi tiếng thế giới đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa Mông Cổ.
Được Chính phủ Mông Cổ thành lập vào năm 1981 với và sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Gobi trở thành 1 trong 5 nhà sản xuất len hàng đầu thế giới chuyên về các sản phẩm len cashmere (len làm từ sợ lông tơ dê). Sau khi được cổ phần hóa vào năm 2007, nhà máy len Gobi được đầu tư mới hàng loạt dây chuyền công nghệ hiện đại trên cơ sở duy trì và phát huy những giá trị truyền thống, uy tín. Hiện nay, Nhà máy len Gobi đã không ngừng lớn mạnh với rất nhiều công nghệ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được hiện đại và chuyên nghiệp hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đã tới thăm phòng trưng bày sản phẩm, thăm dây chuyền sản xuất, các phân xưởng của nhà máy và chứng kiến phần giới thiệu các sản phẩm thời trang từ len cashmere Gobi tại đây.
Đánh giá cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng Nhà máy len Gobi sẽ tiếp tục kinh doanh hiệu quả, ngày càng phát triển thương hiệu len Gobi trên thị trường thế giới, trong đó có hoạt động hợp tác, kinh doanh với các doanh nghiệp tại Việt Nam./.