Thủ tướng Italy kêu gọi EU ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp

Dữ liệu của Liên hợp quốc về người di cư mất tích ghi nhận hơn 20.300 nạn nhân đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu kể từ năm 2014.
Thi thể các nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm thuyền chở người di cư tại miền Nam Italy ngày 26/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 1/3 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp và ngăn chặn những bi kịch tiếp theo trên biển, sau vụ ít nhất 67 người di cư thiệt mạng trong thảm họa chìm thuyền hôm 26/2 ở ngoài khơi Calabria, miền Nam Italy.

Nội dung bức thư của Thủ tướng Meloni gửi các nhà lãnh đạo EU có đoạn viết: “Việc thực thi các biện pháp cụ thể, mạnh mẽ và sáng tạo để chống lại và ngăn cản những cuộc di cư bất hợp pháp là việc làm khẩn cấp. EU cần có các khoản hỗ trợ đặc biệt khẩn cấp cho những quốc gia mà người di cư xuất phát và quá cảnh để họ hợp tác tích cực.”

Sau khi xảy ra vụ chìm thuyền, Thủ tướng Meloni đã cam kết hành động để ngăn chặn những thảm họa tương tự xảy ra.

Phát biểu với đài truyền hình RAI, 1 ngày sau vụ đắm tàu chở người di cư thiệt mạng ở ngoài khơi miền Nam Italy, Thủ tướng Meloni nói: "Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc, với lòng nhân đạo, là ngăn chặn những cuộc ra đi. Càng có nhiều người rời đi, càng có nhiều nguy cơ tử vong."

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi cho biết chính phủ cam kết mở ra các kênh di cư hợp pháp.

Ông đề cập đến "các hành lang nhân đạo," một sáng kiến do các nhóm Cơ đốc giáo điều hành mà ông cho biết đã đưa hơn 600 người di cư đến Italy bằng máy bay kể từ tháng 10/2022, khi chính phủ của bà Meloni lên nắm quyền.

Chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm thuyền chở người di cư tại miền Nam Italy ngày 26/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi đẩy nhanh cải cách các quy tắc tị nạn của EU, vốn đang bị đình trệ.

Trong một tuyên bố, bà von der Leyen gọi vụ chìm thuyền chở người di cư ngoài khơi Italy là một "thảm kịch," đồng thời nhấn mạnh EU phải "tăng gấp đôi nỗ lực đối với Hiệp ước về di cư và tị nạn cũng như Kế hoạch hành động ở Trung Địa Trung Hải."

[Italy kêu gọi EU hành động khẩn cấp về vấn đề người di cư]

Sáng 26/2, chiếc thuyền chở người di cư từ Afghanistan, Iran và một số nước khác, khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chìm ở vùng bờ biển phía Đông Calabria của Italy.

Những người được giải cứu cho biết vào thời điểm gặp nạn, chiếc thuyền chở khoảng 150-200 người di cư.

Hiện cảnh sát pháp y đang nỗ lực nhận dạng các thi thể nạn nhân, cung cấp địa chỉ email để người thân của họ có thể gửi chi tiết nhận dạng.

Trong khi đó, tổ chức từ thiện Save the Children cũng đang hỗ trợ những người đã được giải cứu.

Người di cư vượt Địa Trung Hải tìm đường tới châu Âu, ngày 31/12/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Italy là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu và là tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới.

Dữ liệu của Liên hợp quốc về người di cư mất tích ghi nhận hơn 20.300 nạn nhân đã thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014.

Riêng từ đầu năm đến nay, ước tính hơn 220 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

Theo Bộ Nội vụ Italy, gần 14.000 người di cư đã đến nước này bằng đường biển từ đầu năm đến nay, tăng so với 5.200 người cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo báo cáo của tổ chức Save the Children, khoảng 500.000 người đã tìm cách vượt Địa Trung Hải đến châu Âu kể từ năm 2019, trong đó 8.468 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên hành trình vượt biển đầy nguy hiểm này.

Phân tích dữ liệu từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tổ chức này cho biết một phần nguyên nhân dẫn tới người di cư thiệt mạng ở biên giới châu Âu là do chính phủ các nước ở “Lục địa già” có xu hướng gia tăng việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn những người tị nạn xâm nhập, thậm chí trục xuất những người di cư sau khi họ tới châu Âu.

Số liệu thống kê cho thấy hàng chục nghìn người đã tìm cách vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu từ các quốc gia Bắc Phi nhằm tránh nghèo đói và chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông cũng như tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.

Libya là điểm trung chuyển chính của người di cư kể từ khi nước này rơi vào bất ổn chính trị năm 2011./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục