Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định ông muốn "đưa Italy ra khỏi vũng lầy" bằng một chính sách kinh tế hiệu quả.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh xấp xỉ 13% người lao động Italy thất nghiệp và nợ công của nước này chiếm tới 133% Tổng thu nhập quốc nội (GDP), đứng thứ hai trong các nước Liên minh châu Âu (EU) chỉ sau Hy Lạp.
Trong những cải cách mà tân Thủ tướng Italy tuyên bố sẽ thực hiện có cải cách về thị trường lao động và thuế, hai chương trình mà chính phủ tiền nhiệm của ông Mario Monti và Enrico Letta đều thất bại.
Về thị trường lao động, để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, ông Renzi đề xuất xem xét lại hợp đồng của những người lao động "bấp bênh" và vụ việc, hỗ trợ tài chính cho những người mất việc làm một cách rõ ràng và đánh giá lại một cách cụ thể hiệu quả công việc của khu vực hành chính công.
Ông Renzi ủng hộ những hợp đồng mang tính dài hạn nhằm bảo vệ người lao động, nhất là người lao động mới và ở tuổi dưới 30. Ngoài ra, thuế thu nhập cho những người dưới 30 tuổi sẽ được giảm nhẹ hơn những người khác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được giảm 10% thuế thu nhập đối với người lao động. Cải cách về việc làm, được báo chí Italy gọi là "Job Act," còn nhắm vào bảy khu vực mà Renzi mô tả là "một kế hoạch công nghiệp," gồm văn hóa-du lịch- nông nghiệp, đồ hiệu "Made in Italy," công nghệ cao, kinh tế xanh, xây dựng, nghề thủ công và phúc lợi xã hội.
Theo báo chí Italy, ông Renzi kì vọng rằng "Job Act" sẽ giúp 1 triệu người Italy tìm được việc làm từ nay cho đến 2015.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đây là điều không mấy dễ dàng, bởi 20 năm trước, chính phủ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cũng không thực hiện được những lời hứa cải cách thị trường việc làm.
Về cải cách hành chính, chính phủ mới sẽ tiến hành một loạt chương trình nhằm cắt giảm nhân sự ở các vị trí không cần thiết trong các cơ quan hành chính công, giảm thiểu chi phí cho những người phụ thuộc ở các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh.
Hiện tại, bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh trở lên đến chính quyền trung ương và các bộ của Italy hàng năm "ngốn" một khoản chi phí kinh khủng từ ngân sách nhà nước về lương bổng và các chi phí khác.
Với kế hoạch cải cách mới, việc cắt giảm số lượng tỉnh, tinh giản biên chế, giảm lương của các lãnh đạo cấp cao các cơ quan hành chính, giảm số xe công, có thể giúp Italy tiết kiệm mỗi năm từ 800 triệu đến 1,5 tỷ euro.
Trong khi đó, cải cách về thuế, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận và sau đó soạn thành dự luật vào tháng 5/2014, sẽ giúp người lao động và các doanh nghiệp giảm gánh nặng đến thu nhập và doanh thu của họ. Theo đó, Italy sẽ giảm thuế từ 38% xuống còn 35% đối với những người có thu nhập 55.000 euro/năm, giảm từ 45%- xuống 43% với những người có thu nhập 120.000 euro/năm.
Trong khi đó, thuế đánh vào doanh nghiệp giảm 10%. Theo các nhà phân tích, kế hoạch này có thể làm tăng việc làm, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại, nhưng cũng sẽ tạo ra lỗ hổng ngân sách vì mất hàng tỷ euro tiền giảm thuế./.