Thủ tướng: Hà Nội cần tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới đột phá

Để hiện thực hóa tầm nhìn trong phát triển, Thủ tướng mong muốn Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể và chương trình hành động phát triển thành phố.
Thủ tướng: Hà Nội cần tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới đột phá ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 17/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” – diễn đàn xúc tiến đầu tư lớn nhất năm 2018 của Thủ đô đã diễn ra với sự góp mặt của gần 1.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Thị trường trên 20 triệu dân

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” một lần nữa khẳng định sự cam kết mục tiêu của thành phố là “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,” “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng tái cơ cấu kinh tế thành phố.” 

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội là khai thác một thị trường trên 20 triệu dân của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô với sức mua tương đối lớn và ngày càng tăng. Các tỉnh, thành phố trong vùng đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đó cũng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.

[Hà Nội thu hút hơn 1,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài]


Hỗ trợ toàn bộ chi phí thành lập doanh nghiệp

Một thông tin đáng lưu ý được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung công bố tại hội nghị, đó là Ủy ban Nhân dân thành phố đã đề xuất đưa ra Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ họp vào đầu tháng 7/2018 thông qua, để từ ngày 1/8/2018, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp.

"Khi thành lập doanh nghiệp bạn chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà của bạn," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chia sẻ.

Thủ tướng: Hà Nội cần tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới đột phá ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư toàn thành phố. Đến nay, đã có 2.200 dự án từ nguồn vốn tư nhân với tổng mức đầu tư 1.070.000 tỷ đồng. Đến ngày 15/6 đã có trên 4.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký đạt 33 tỷ 380 triệu USD; trong đó, riêng hai năm (2016-2017) và 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội thu hút được 12 tỷ 460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút được trong giai đoạn 1986-2015.

Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 và năm 2017, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án. Đến nay, 62 dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công và xây dựng, hoạt động; 9 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.


"Bếp ăn" của thế giới"

Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ví von vượt qua nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu," Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hiện nay ở nước ta, cứ trong 5 doanh nghiệp được thành lập thì có 1 doanh nghiệp được thành lập và có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Hà Nội.

Mong muốn Hà Nội trở thành "bếp ăn" của thế giới" với định hướng phát triển mạnh mẽ về du lịch, Chủ tịch VCCI cho biết Việt Nam là một trong 18 quốc gia có tiềm năng phát triển về du lịch. Hà Nội lại là một trong 10 địa phương có tăng trưởng tốt nhất cả nước về du lịch nên đây sẽ là tiềm năng lớn, là lợi thế cho Hà Nội." 

“Trong suốt những năm ở Hà Nội, tôi đã chứng kiến sự thay đổi rất mạnh mẽ của thành phố này, đặc biệt là những việc làm thiết thực của chính quyền thành phố nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh,” ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) phát biểu như vậy và cam kết sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ hơn cho quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội, cùng Hà Nội hợp tác đầu tư và phát triển.

Thủ tướng: Hà Nội cần tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới đột phá ảnh 3Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua và Bằng khen của Chính phủ cho các doanh nghiệp có đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


“Hà Nội không vội không xong”

Phát biểu tại hội nghị, điểm lại những thành tựu của Thủ đô sau hơn 1 năm kể từ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, kinh tế xã hội Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao, kinh tế chuyển dịch tích cực nhất là 6 tháng đầu năm 2018 trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực biến động phức tạp. Với sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, Hà Nội đang dần khẳng định là thành phố đáng sống, trung tâm mới mở của khu vực ASEAN.

Hà Nội có kết quả tốt trong xây dựng Chính phủ điện tử, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng sẽ đạt 100%. Kê khai thuế điện tử đạt 98%, hải quan điện tử đạt 100% và đang hướng tới một nền hành chính phi giấy tờ. PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Hà Nội từ vị trí 51 lên 13 vào năm 2017, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số minh bạch tăng 8 bậc…Thủ tướng cho biết.

Hà Nội đã sắp hết câu nói: “Hà Nội không vội được đâu” và trở thành câu: “Hà Nội không vội không xong,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đề cập đến những hạn chế trong môi trường đầu tư của thành phố, Thủ tướng chỉ rõ, chỉ số tiếp cận đất đai, thủ tục đất đai vẫn còn thấp; chỉ số gia nhập thị trường cũng cần khắc phục cải thiện hơn.

Cho rằng, còn nhiều doanh nghiệp kêu ca về thủ tục nộp thuế tại Hà Nội, Thủ tướng đề nghị thành phố cải thiện hơn nữa các chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số tham gia của người dân ở cơ sở, chỉ số thủ tục hành chính công… Bên cạnh đó là các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… cần được cải thiện.

Nhắc đến những tiềm năng của một trong những Thủ đô lâu đời nhất trên thế giới, có lịch sử hàng ngàn năm, Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội có rất nhiều lợi thế vượt trội từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng văn hóa, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để hiện thực hóa tầm nhìn trong phát triển, Thủ tướng mong muốn Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể và chương trình hành động phát triển thành phố; tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới theo hướng đột phá, bền vững trong dài hạn.

Thủ tướng: Hà Nội cần tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới đột phá ảnh 4Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nước AquaOne đại diện Liên danh: Công ty Cổ phần Nước AquaOne và Tập đoàn Aone Deutschland AG lên sân khấu trao, nhận biên bản ghi nhớ với ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội: (Nguồn: PV/Vietnam+)

Lấy ví dụ về đô thị Cầu Giấy, cách đây hàng chục năm là một khu vực rất nghèo nhưng nay giá trị công nghiệp đã lên trên 43 ngàn tỷ đồng, thu ngân sách trên 7 ngàn tỷ đồng, Thủ tướng cho rằng, điều đó cho thấy nếu có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp cơ cấu kinh tế trong tương lai, đáp ứng lợi ích dài hạn thì sẽ có kết quả tốt bởi “đất đai là cần câu chứ không phải con cá.” 

Từ đó, Thủ tướng đề nghị thành phố cần có Quy hoạch phát triển hợp lý, kết nối với Khu Công nghệ cao Láng, Hòa Lạc và cộng đồng doanh nghiệp và rộng hơn là Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thủ tướng tin tưởng Hà Nội sẽ đi đầu trong xây dựng nền kinh tế 4.0, nền kinh tế số; đẩy nhanh triển khai xây dựng thành phố thông minh thông qua việc kiến tạo môi trường sáng tạo, minh bạch và hiện đại hóa hệ thống quản lý hành chính công tạo ra bước phát triển đột phá về kinh tế xã hội, tạo lập nền tảng mạnh mẽ cho quá trình phát triển thành phố thông minh.

Thành phố cần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mang tính mũi nhọn cho xu thế của tương lai như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò là "cái nôi" của cả nước về đào tạo nhân tài, hiền tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên: Toán học, vật lý, tin học.

Vì vậy cần có cơ chế tốt, huy động nhân tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô để các tài năng “dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội,” Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hà Nội “cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, cần chủ động giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.” 

Xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp không chỉ là công việc của thành phố mà lãnh đạo các quận, huyện cũng cần chú trọng và đổi mới cách làm, Thủ tướng đề nghị và nhấn mạnh đây là cấp sát dân, sát doanh nghiệp, do đó cũng cần phải “nóng lên” vì sự phát triển của Thủ đô.

Thủ tướng mong muốn Hà Nội cần có sự đột phá trong thay đổi quy trình đối với nhà đầu tư về thủ tục đất đai.

“Cần có 1 quy trình, thủ tục liên ngành, khoa học, thống nhất và minh bạch. Có cơ chế phản ứng, hỗ trợ kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn. Đây là vấn đề trọng tâm của thành phố trong thời gian tới,” Thủ tướng chỉ đạo.

Đề nghị thành phố tăng cường xây dựng các công trình công cộng như công viên, nhà vệ sinh, ứng phó nhanh với các sự cố giao thông, Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội phấn đấu 100% các nhà vệ sinh các trường học và bệnh viện đạt tiêu chuẩn.

Hà Nội sẽ phát huy vai trò dẫn dắt, vai trò động lực xu hướng phát triển của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, Thủ tướng mong muốn.

Chúc mừng các nhà đầu tư gắn bó với Thủ đô, Thủ tướng cho rằng đây là thời cơ lớn và đề nghị các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án kinh doanh bởi “thời gian không chờ đợi ai.” 

Thủ tướng cũng lưu ý chính quyền Hà Nội và nhà đầu tư cần phối hợp “hợp tình, hợp lý” trong tiến trình giải phóng mặt bằng; thực hiện tốt quy hoạch.

Tại hội nghị, các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành như Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang… và các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư đã được ký kết.

Cũng tại hội nghị, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư là 397.335 tỷ đồng; trong đó có 11 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp tiêu biểu cũng đã được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục