Thủ tướng Hà Lan lên án hành vi bạo loạn trong các cuộc biểu tình

Bạo động đã nổ ra tại La Haye, Breda, Arnhem, Tilburg, Appeldoorn, Venlo và Roermond, sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào tối 23/1.
Thủ tướng Hà Lan lên án hành vi bạo loạn trong các cuộc biểu tình ảnh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Haarlem, Hà Lan, ngày 23/1/2021, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 được áp đặt. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/1, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên án hành vi bạo lực sau khi các cuộc biểu tình phản đối lệnh giới nghiêm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 biến thành bạo loạn tại một số thành phố của nước này.

Bạo động đã nổ ra tại La Haye, Breda, Arnhem, Tilburg, Appeldoorn, Venlo và Roermond, sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào tối 23/1.

Người phát ngôn của lực lượng cảnh sát Hà Lan đánh giá đây là cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong 40 năm ở nước này.

Nhiều đối tượng quá khích đã cướp phá các cửa hàng, đốt xe và phóng hỏa một cơ sở xét nghiệm COVID-19. Lực lượng an ninh đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông gần bảo tàng Van Gogh.

[Thư nặc danh đe dọa cố vấn chiến lược kiểm soát COVID-19 tại Hà Lan]

Trong cuộc biểu tình lớn hơn tại thành phố Eindhoven, nhiều cơ sở kinh doanh tại ga trung tâm đã bị cướp phá. 

Truyền thông đưa tin cảnh sát đã bắt giữ khoảng 250 người trong các cuộc biểu tình tại Amsterdam, Eindhoven và một số thành phố khác trong ngày 24/1. Đến tối 25/1, thị trưởng một số thành phố tại Hà Lan đã thông báo sẽ áp đặt các biện pháp khẩn cấp, cho phép cảnh sát có thêm quyền để khống chế bạo loạn.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Rutte khẳng định các hành vi bạo loạn là không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh động cơ của các đối tượng này không liên quan đến biểu tình.

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Eindhoven, John Jorritsma miêu tả tình hình như "nội chiến" và kêu gọi chính quyền điều thêm quân đội đến ổn định trật tự.

Trước đó, biểu tình đã nổ ra trong ngày đầu tiên lệnh giới nghiêm từ 21h00 hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau tại Hà Lan có hiệu lực. Đây là lệnh giới nghiêm đầu tiên tại Hà Lan kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Lệnh giới nghiêm này dự kiến kéo dài ít nhất đến ngày 10/2 tới. Những người vi phạm sẽ đối mặt với mức phạt 95 euro (115 USD). Cảnh sát trưởng Hà Lan Koen Simmers khẳng định lực lượng an ninh sẵn sàng ứng phó trong trường hợp bạo loạn kéo dài.

Tại Liban, hãng thông tấn quốc gia (NNA) đưa tin các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa do COVID-19 tại thành phố Tripoli đã biến thành bạo loạn, khi những người biểu tình đốt lốp xe, ném đá vào tòa nhà chính phủ.

Lực lượng an ninh đã phải dùng hơi cay để giải tán. Hội Chữ Thập Đỏ Liban ước tính hơn 30 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình, trong đó có 6 người phải nhập viện.

Tuần trước, Liban đã gia hạn lệnh phong tỏa thêm 2 tuần để khống chế số ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh, bảo vệ hệ thống y tế trước nguy cơ sụp đổ.

Nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng mạnh là do các gia đình sum họp trong dịp nghỉ lễ cuối năm và chính quyền cho phép người dân tụ tập trong quán bar đến 3h sáng, bất chấp cảnh báo của chuyên gia y tế. 

Theo thống kê, Liban đã có tổng cộng hơn 280.000 ca nhiễm và 2.404 ca tử vong do COVID-19.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong bối cảnh Liban đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi nội chiến kết thúc vào năm 1990. Dự kiến Liban sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục