Thủ tướng: Giải phóng các dòng vốn, tạo động lực cho phát triển

Nhắc lại yêu cầu không chủ quan với dịch bệnh, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế, Thủ tướng cho biết “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm đầu về tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp Phiên thường kỳ đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng đầu năm 2020.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tháng Tám vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện trên 15 địa bàn trong cả nước. Tuy nhiên, các thành phố lớn, các địa phương, các ngành, các cấp đã có nhiều phương án chỉ đạo kiên quyết, kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả COVID-19. Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt, chủ động, quyết liệt, đồng bộ dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Nhịp độ phát triển chung của đất nước được giữ vững.

Nhắc lại yêu cầu không chủ quan với dịch bệnh, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế, Thủ tướng cho biết “sức khỏe” của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm đầu về tăng trưởng. Theo dự báo của các định chế tài chính uy tín trên thế giới, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng dương trong năm 2020.

Nhận định tình hình kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng vừa qua có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt, Thủ tướng cho biết kinh tế duy trì ổn định mặc dù không phải phục hồi nhanh. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chính sách tiền tệ được điều hành tương đối tốt, phục vụ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô.

[Thủ tướng: Dần hình thành nếp sống trong điều kiện có dịch bệnh]

Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối đã lên mức 92 tỷ USD, phấn đấu đạt 100 tỷ USD trong năm 2020. CPI tháng 8 tăng 0,07%. Tỷ giá thị trường ngoại tệ ổn định. Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế và phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,6-2,8% trong năm nay. Nông nghiệp được mùa, được giá.

Việt Nam phấn đấu duy trì vị trí thứ nhất, thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Tình hình xuất khẩu 8 tháng qua khả quan, tăng trưởng tốt mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Xuất siêu đạt 11,9 tỷ USD trong vòng 8 tháng qua.

Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét. Chính phủ đã tổ chức 7 đoàn kiểm tra thường xuyên đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều địa phương quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tích cực, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng gần 30%.

Vốn FDI trong bối cảnh khó khăn nhưng tổng giá trị các dự án đầu tư được cấp phép vẫn lên tới 19,5 tỷ USD. Số hộ thiếu đói giảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Trong bối cảnh khó khăn nhưng nhiều hoạt động đối ngoại vẫn được triển khai, để lại ấn tượng tốt đẹp, đặc biệt là sự kiện kỷ niệm 75 năm Quốc khánh được tổ chức trong không khí thân tình, cởi mở và tin tưởng vào Việt Nam. Uy tín, vị thế của Việt Nam tiếp tục được củng cố trên trường quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục xuất hiện những tấm lòng nhân ái, hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch.

Thủ tướng đề nghị tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ, các địa phương cần tập trung khắc phục những tồn tại như: sản xuất công nghiệp, một trong những lĩnh vực sản xuất trọng yếu của nền kinh tế đang tăng trưởng thấp.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch, tiêu dùng có xu hướng giảm. Sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp lớn. Nguy cơ suy giảm việc làm diễn ra, nhất là ở các khu vực đô thị. Cùng với đó, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là mùa mưa bão sắp đến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tại phiên họp này cần tập trung cho ý kiến hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã; trong đó có việc đề xuất điều chỉnh các mức phí, lệ phí, tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ người lao động, tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu thu nhập; cần có chính sách tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư FDI, đầu tư trong nước; cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để giải phóng các dòng vốn, tạo động lực cho phát triển.

Nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu cần có các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cả cung và cầu. Chính sách tiền tệ, tài khóa cần phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong trạng thái “bình thường mới."

Nhấn mạnh đến chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí cao, cụ thể sau 5 năm, Việt Nam từ vị trí 59 (năm 2016) trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã tăng 17 bậc, xếp vị trí 42 (năm 2020) trên tổng số 131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019 là 42/129), Thủ tướng đánh giá đây là thành tựu quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp các giải pháp điều hành sát với thực tiễn hơn, cố gắng phấn đấu không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt chỉ số tăng trưởng cao nhất có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục