Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại, kinh tế trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan, trưa 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số thành viên Đoàn Cấp cao Việt Nam đã tham dự buổi gặp mặt giữa những tập đoàn, nhà đầu tư lớn của hai nước Việt Nam-Thái Lan do Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan-Việt Nam và Quỹ Vinacapital tổ chức.
Nhiều doanh nghiệp trong số các tập đoàn lớn của Thái Lan có mặt tại buổi gặp gỡ như Amata, Central Group, Ngân hàng Kasikornbank, CP Group, Thai Beverage, Siam Cement... là những cổ đông lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam; có những hoạt động đầu tư bao trùm trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.
Buổi gặp gỡ là cơ hội để những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh hàng đầu hai nước tìm hiểu, nghiên cứu chính sách, thể chế tăng cường hợp tác kinh doanh, qua đó thúc đẩy sự kết nối hợp tác, giao lưu giữa doanh nghiệp và giới doanh nhân hai nước.
Hoan nghênh sự hợp tác giữa các tập đoàn lớn, tên tuổi của Việt Nam và Thái Lan, Thủ tướng cho rằng, sự kiện này góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Giới thiệu về những lợi thế của Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn mang tầm chiến lược đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô trên 220 tỷ USD, tiếp tục giữ nhịp phát triển ổn định theo hướng tăng dần.
Là nền kinh tế mở, quy mô thương mại gấp 1,6 lần GDP, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu các chỉ số cơ bản về môi trường kinh doanh Việt Nam tương đương các nước ASEAN - 4 vào năm 2020, hướng đến các chuẩn mực của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Việt Nam còn là quốc gia có lượng dân số trẻ tiệm cận mức 100 triệu người vào năm 2020 với cơ cấu dân số vàng (60% trong độ tuổi lao động, chi phí cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao).
Thủ tướng nhấn mạnh và kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp Thái Lan tham gia mạnh mẽ hơn nữa và tận dụng tốt cơ hội Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa, thoái vốn đối với doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, xây dựng...
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp Thái Lan đều đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là những đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách, nhất là việc thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho khối kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp Thái Lan cũng đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư của Thái Lan và khối ASEAN trong hoạt động đầu tư và tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.
[Thủ tướng dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Thái Lan]
Các doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan đều khẳng định sẽ không ngừng mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm, sản xuất, chế biến hàng nông sản, năng lượng, du lịch, giao thông vận tải…
Các doanh nghiệp Thái Lan cho biết đang tìm hiểu, kết nối những điểm du lịch có tiềm năng của Việt Nam, mong muốn kết hợp với các hãng hàng không Việt Nam để thúc đẩy lượng khách du lịch hai nước.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp của Thái Lan trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính ngân hàng và bán lẻ.
Tiếp ông Kornrasit Pakchotanon, Chủ tịch Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT), Thủ tướng đề nghị Tập đoàn này khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tổ hợp nhiệt điện ở Quảng Trị, đang kéo dài nhiều năm. Thủ tướng cũng lưu ý Việt Nam rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường và sẽ đóng cửa các dự án nếu sử dụng công nghệ lạc hậu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cùng với phía cơ quan chức năng Thái Lan xử lý các vướng mắc để dự án sớm đi vào hoạt động, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Chủ tịch EGAT mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để phía Thái Lan thúc đẩy dự án, đồng thời cam kết bảo đảm vấn đề môi trường trong quá trình thực thi dự án.
Tiếp ông Tos Chirathivat, Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Central, Thủ tướng đánh giá cao Central là một trong những tập đoàn lớn nhất về bán lẻ ở khu vực và bước đầu kinh doanh thành công ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam tin tưởng tập đoàn sẽ thành công ở Việt Nam, thực hiện đúng các cam kết đầu tư, chấp hành pháp luật.
Thủ tướng hoan nghênh ý định hợp tác của Tập đoàn với các đối tác Việt Nam để cùng phát triển. Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tăng cường đưa nhiều hàng nông sản Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại Thái Lan. Ông Tos Chirathivat cho biết, Central đang có chính sách phát triển sang Âu và Việt Nam và coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình.
Central mong muốn cùng đối tác Việt Nam kinh doanh thành công trong nhiều lĩnh vực như khách sạn, du lịch và bán lẻ. Central sẵn sàng nhập trái cây của Việt Nam để bán ở các siêu thị ở Thái Lan, sẵn sàng hợp tác để phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Tiếp ông Banthoon Lamsam, Chủ tịch hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành Ngân hàng KASIKORN (KBank), nhấn mạnh Việt Nam đang thực hiện quyết liệt tái cơ cấu các trụ cột kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng, Thủ tướng cho rằng, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, thị trường, công nghệ để nâng cao năng lực quản lý, điều hành là hết sức quan trọng.
Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đề nghị KBank tiếp tục phối hợp chặt chẽ và trao đổi thường xuyên với Ngân hàng nhà nước, các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam để chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong việc quản lý nợ xấu cũng như có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tại buổi tiếp, Kbank mong muốn được vận dụng khả năng và kinh nghiệm của mình để xây dựng, áp dụng mô hình hỗ trợ tài chính, ngân hàng phù hợp nhất cho doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu của Chính phủ là thành lập 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Tiếp Công ty Siam City Cement Public Company Limited (SCCC), Thủ tướng đề nghị SCCC tiếp tục đầu tư các dự án công nghiệp, vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ hiện đại, mô hình sản xuất tiên tiến, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, giá thành cạnh tranh, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm về dài hạn.
Ngoài ra, SCCC cần quan tâm chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam cũng như góp ý kiến về xây dựng về xây dựng thị trường minh bạch, lành mạnh, theo mô hình hiện đại trong thời gian tới./.