Ngày 11/, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin sẽ nỗ lực tối đa để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh quốc gia này đã ghi nhận khoảng 1.500 ca nhiễm bệnh này.
Bà Merkel nhận định đây là một tình huống đặc biệt bất thường nên Đức sẽ làm mọi việc cần thiết đồng thời tin vào khả năng ngân sách quốc gia sẽ đáp ứng tốt cho cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là chấm dứt cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh này.
Bà cũng khẳng định chính phủ sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ thanh khoản để giúp đỡ các công ty chịu tác động của dịch bệnh trong bối cảnh nhiều quốc gia đã buộc phải đóng cửa biên giới, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và các đơn hàng nước ngoài ngày càng ít vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Bà cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thống nhất sẽ linh hoạt trong vấn đề ngân sách nếu các quốc gia chịu tác động mạnh của dịch bệnh muốn EU nới lỏng các quy định giới hạn thâm hụt ngân sách để phục vụ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.
Tính đến sáng 11/3, Đức đã ghi nhận 1.565 ca mắc bệnh và ba ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19.
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu khi số ca nhiễm mới ngày một tăng cao tại các quốc gia như Italy, Pháp và Đức. Chính phủ Anh ngày 11/3 cũng công bố gói biện pháp hỗ trợ tài chính trị giá 30 tỷ bảng (39 tỷ USD) để giảm thiểu những tác động ngày càng lớn của dịch bệnh COVID-19 tới nền kinh tế nước này.
Trong dự thảo ngân sách đầu tiên trình lên quốc hội sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak công bố khoản tài chính trị giá 30 tỷ bảng để hỗ trợ người dân, hỗ trợ việc làm và doanh nghiệp Anh vượt qua thời điểm khó khăn vì dịch bệnh.
Ông khẳng định Bộ tài chính sẵn sàng hành động khi tình hình diễn biến phức tạp hơn đồng thời nhấn mạnh đây là phản ứng toàn diện trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành tại Anh cũng như toàn châu Âu. Ông cũng nhận định tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế Anh sẽ khá mạnh nhưng chỉ trong ngắn hạn.
Nghị viện nước này vẫn tiếp tục làm việc sau khi nghị sỹ Nadine Dorries, Thứ trưởng Bộ Y tế Anh, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và một nghị sỹ khác được yêu cầu tự cách ly ở nhà vì có dấu hiệu nghi nhiễm.
Người phát ngôn của Nghị viện Anh khẳng định cơ quan này tuân thủ mọi hướng dẫn của Cơ quan Y tế Cộng đồng quốc gia và áp dụng các biện pháp phù hợp quy định.
Nhiều nghị sỹ Anh bày tỏ lo ngại tòa nhà quốc hội Anh quá cũ kỹ và không được trang bị tốt để có thể hạn chế dịch bệnh lây lan trong khi các nghị sỹ là những người thường xuyên đi hội họp và gặp gỡ mọi người.
[Sáng kiến hạn chế tình trạng lây chéo virus SARS-CoV-2 tại Đức]
Trong khi đó, ngày 11/3, vùng đô thị Madrid của Tây Ban Nha cũng mới công bố thêm 10 ca tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại vùng này lên 31 ca.
Cơ quan Y tế vùng Madrid cho biết số ca xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 tại vùng này đã lên tới 1.024, tăng nhanh so với mức 782 ca ghi nhận trước đó một ngày. Vùng đô thị này gồm thủ đô Madrid và 40 khu tự quản bao quanh, với dân số khoảng hơn 5,8 triệu người.
Tính đến ngày 11/3, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha đã lên 2.002 ca và số ca tử vong tăng lên 47, trong đó Madrid là vùng chịu tác động mạnh nhất.
Giới chức nước này đã nhanh chóng công bố các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa các trường học ở Madrid trong 2 tuần, khử trùng các phương tiện giao thông công cộng tại thủ đô hàng ngày và cấm mọi chuyến bay từ Italy. Chính phủ cũng cam kết sẽ hỗ trợ ngành du lịch tại quốc gia là điểm đến du lịch hấp dẫn thứ 2 thế giới này.
Tại Ba Lan, giới chức đã đóng cửa tất cả các trường học, trường đại học, rạp chiếu phim, nhà hát và bảo tàng trong vòng 2 tuần từ ngày 12/3 để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Phát biểu trong buổi họp báo cung, các Bộ trưởng Ba Lan cho biết các trường mầm non và tiểu học, trung học sẽ đóng cửa từ ngày 12/3 nhưng dịch vụ trông giữ đặc biệt với nhóm trẻ nhỏ tuổi nhất sẽ vẫn được duy trì trong tuần này.
Ba Lan hiện ghi nhận 26 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng nhận thấy tình hình bệnh dịch diễn biến nhanh tại các quốc gia châu Âu nên chính phủ nước này quyết định thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm./.