Thủ tướng Đức Merkel khẳng định không muốn đối đầu với Nga

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 7/2, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh Đức muốn tạo lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm tại Moskva ngày 6/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 7/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định Berlin không đối đầu mà hợp tác với Nga vì an ninh châu Âu.

Phát biểu này của bà Merkel được đưa ra một ngày sau sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Ukraine.

Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 30 phút của mình xoay quanh vấn đề Ukraine, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Đức muốn tạo lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga.

Theo bà, không ai muốn một lần nữa chia cắt châu Âu, đồng thời bác bỏ khả năng giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp quân sự.

Bà cũng cho rằng không nên quá kỳ vọng vào việc nhanh chóng đạt giải pháp cho sáng kiến hòa bình Đức-Pháp về Đông Ukraine.

Thủ tướng Merkel cũng cho biết kết quả đạt được tại cuộc đàm phán ở Moskva là các bên đi tới thực thi lệnh ngừng bắn để thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Tuy nhiên, bà cũng cho biết sẽ tiếp tục điện đàm với các Tổng thống Nga, Pháp và Ukraine để cụ thể hóa thỏa thuận đạt được cũng như các bước đi nhằm thực thi thỏa thuận Minsk.

Tại Munich, Thủ tướng Merkel cũng có cuộc thảo luận với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về vấn đề trên cũng như về kết quả cuộc gặp với Tổng thống Putin.

Theo kế hoạch, ngày 8/2, Thủ tướng Merkel sẽ lên đường thăm Mỹ để tiếp tục thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hiện giữa Mỹ và các nước Tây Âu đang có bất đồng về việc có hay không cung cấp vũ khí cho Ukraine để đẩy lui lực lượng đòi ly khai.

Bên lề Hội nghị An ninh Munich, Tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove cho rằng có thể hỗ trợ quân sự và vũ khí cho Ukraine chống lực lượng đòi ly khai ở miền Đông nước này, song bác bỏ đưa quân tới giúp Ukraine trong cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời khẳng định, chưa có cuộc thảo luận nào về việc đưa binh sỹ tới Ukraine.

Giới phân tích nhận định nếu Nga và Ukraine không nhất trí được việc tiến hành thỏa thuận Minsk, ngoài tăng cường trừng phạt, Mỹ nhiều khả năng sẽ tiến hành cung cấp vũ khí cho Ukraine để đẩy lui lực lượng ly khai ở Đông Ukraine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục