Ngày 19/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng nhiều khả năng lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ không đạt được thỏa thuận về kế hoạch hồi phục kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhận định của nhà lãnh đạo Đức được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU đã bước sang ngày làm việc thứ ba, song vẫn chưa đạt được đồng thuận về gói kích thích kinh tế hậu COVID-19.
Phát biểu tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Merkel cho biết lãnh đạo 27 nước EU đưa ra nhiều quan điểm về quy mô của quỹ hồi phục kinh tế, điều kiện thụ hưởng tài trợ và các quy định ràng buộc về mặt pháp lý.
Bà Merkel nhấn mạnh: "Có rất nhiều thiện chí, song cũng có quá nhiều quan điểm. Tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng rất có thể không đạt được kết quả."
Dự kiến, Thủ tướng Merkel sẽ cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất mới nhằm phá vỡ thế bế tắc sau khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và một số quốc gia khác quyết liệt ngăn chặn kế hoạch hồi phục kinh tế này.
Cùng ngày, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hiện các nhà lãnh đạo EU đang chia rẽ về 4 vấn đề chính liên quan đến quỹ hồi phục kinh tế.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Orban nêu rõ các vấn đề còn tồn tại nhiều bất đồng gồm quy mô của quỹ hồi phục kinh tế, tỷ lệ giữa các khoản trợ cấp không phải hoàn trả và các khoản cho vay phải được hoàn trả, quy mô khoản tiền phải được hoàn trả trong ngân sách của EU đối với các nước giàu, cùng các quy định pháp lý liên quan đến các khoản tài trợ của quỹ.
Tuy nhiên, ông khẳng định các nhà lãnh đạo quyết tâm đạt được một thỏa thuận trong ngày thứ ba của hội nghị.
[EU kéo dài hội nghị thượng đỉnh vì bất đồng về kế hoạch phục hồi]
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kiriakos Mitsotakis bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo EU sẽ vượt qua bất đồng và nhất trí về gói kích thích kinh tế chung nhằm khởi động tăng trưởng trong khối này.
Ông Mitsotakis nhấn mạnh: "Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có và chúng ta đơn giản không thể để khối bị chia rẽ hoặc suy yếu".
Trước đó, trong 2 ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU, kế hoạch vực dậy nền kinh tế EU sau đại dịch COVID-19 đã vấp phải lập trường kiên quyết của các quốc gia tiết kiệm chi tiêu.
Hà Lan cùng 4 quốc gia theo chủ trương "thắt lưng, buộc bụng" gồm Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan cho rằng các khoản trợ cấp không thể được cấp cho các thành viên một cách dễ dàng và tiền quỹ sau này phải được hoàn trả.
Theo quan điểm của các nước này, kế hoạch trên được coi là có lợi nhất cho Italy và Tây Ban Nha, hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch, nhưng luôn bị đánh giá là những nước có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất.
Cuối tháng Năm vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Đức và Pháp, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một gói kích thích "khổng lồ" lên tới 750 tỷ euro (826 tỷ USD), trong đó 500 tỷ euro (551 tỷ USD) theo hình thức tài trợ và 250 tỷ euro (275 tỷ USD) theo hình thức cho vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng, với mục đích giúp "lục địa già" hồi phục từ cuộc suy thoái chưa từng thấy do COVID-19 gây ra.
Để hưởng lợi từ chương trình, các nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và cải cách phù hợp với những ưu tiên chính trị của EC, cụ thể là "thỏa thuận xanh". Tuy nhiên, kế hoạch này ngay từ đầu đã gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ EU.
Theo lịch trình, Hội nghị thượng đỉnh EU được tiếp tục vào 17 giờ (giờ Việt Nam) ngày 19/7 và có thể kéo dài đến đêm.
Đây là lần đầu tiên sau 5 tháng, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước EU đã gặp nhau trực tiếp ở Brussels./.