Thủ tướng Đức kêu gọi các bên nhanh chóng chấm dứt bế tắc chính trị

Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo với đảng Dân chủ Xã hội nhanh chóng hoàn tất vòng đàm phán thành lập chính phủ liên minh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa), lãnh đạo đảng CSU Horst Seehofer (trái) và lãnh đạo đảng SPD Martin Schulz (phải) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 12/1 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhanh chóng hoàn tất vòng đàm phán thành lập chính phủ liên minh nhằm khép lại 4 tháng bế tắc chính trị tại Đức.

Phát biểu tại trụ sở CDU trước khi bước vào cuộc đàm phán then chốt, Thủ tướng Merkel nêu rõ người dân đang kỳ vọng các bên tiến tới thành lập một chính phủ liên minh. Do đó, bà lạc quan và quyết tâm đối với vòng đàm phán này. Thủ tướng cho rằng mục tiêu này là có thể đạt được trong khung thời gian hợp lý, khẳng định đây sẽ là một khởi đầu mới cho nước Đức cũng như cho cả châu Âu.

Trong khi đó, Chủ tịch SPD Martin Schulz nhấn mạnh trước những thách thức toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) cần một nước Đức vững mạnh và ủng hộ sự tồn tại của EU.

[Thủ tướng Đức lạc quan về khả năng SPD đàm phán chính thức với CDU/CSU]

Sau khi các đại biểu tham dự đại hội SPD ủng hộ đàm phán thành lập chính phủ với liên đảng bảo thủ, đàm phán chính thức có thể được tiến hành trong vài ngày tới. Trong trường hợp suôn sẻ, đàm phán có thể kết thúc trong tháng 2/2018. Sau đó, thỏa thuận liên minh còn phải nhận được sự ủng hộ của đa số đảng viên SPD, hiện có khoảng 440.000 người, trong cuộc trưng cầu dân ý trên toàn nước Đức về việc có đồng ý thỏa thuận này hay không.

Hôm 12/1 vừa qua, sau 5 ngày tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò, lãnh đạo liên đảng CDU/CSU và đảng SPD đã đạt được tiến triển "mang tính đột phá" với thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ đại liên minh mới trong vài tuần tới. Điểm nhấn quan trọng nhất trong thỏa thuận sơ bộ này là hai bên nhất trí cam kết "hợp tác chặt chẽ với Pháp để cải tổ và củng cố Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách bền vững, nhằm giúp toàn liên minh ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng như thống nhất mức trần người tị nạn tối đa mà nước Đức có thể tiếp nhận hàng năm là 220.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục