Thủ tướng Đức cáo buộc Nga đã "đánh cắp" Crimea

Trong cuộc gặp với các nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ của mình, Thủ tướng Đức khẳng định Nga trên thực tế đã "đánh cắp" bán đảo Crimea và cho rằng "có thể gọi đây là một sự thôn tính."
Thủ tướng Đức cáo buộc Nga đã "đánh cắp" Crimea ảnh 1Người dân Ukraine tuần hành bày tỏ sự ủng hộ Nga tại Simferopol, thủ phủ Crimea ngày 9/3. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 11/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi hành động của Nga tại bán đảo Crimea của Ukraine là "một sự thôn tính."

Một nguồn tin từ đảng của bà Merkel cho biết trong cuộc gặp với các nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ của mình, Thủ tướng Đức khẳng định Nga trên thực tế đã "đánh cắp" bán đảo Crimea và cho rằng "có thể gọi đây là một sự thôn tính."

Thủ tướng Merkel tuyên bố không được để Nga thoát trách nhiệm với hành động của mình ở Crimea và nhấn mạnh sự cần thiết của cách tiếp cận trên 3 hướng. Đó là giúp đỡ Ukraine, duy trì đối thoại với Moskva, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Điện Kremlin - trong đó có áp đặt trừng phạt.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói rõ rằng cách phản hồi của Moskva với các đề xuất nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine của Washington là không đủ và không tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố viện trợ tài chính của Mỹ dự kiến dành cho Ukraine là bất hợp pháp và vượt ra ngoài các tiêu chuẩn pháp lý của Mỹ vì sẽ tài trợ cho một chế độ không hợp pháp.

Tuyên bố trên đã lặp lại lời khẳng định mà Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych đưa ra trước đó cùng ngày. Bộ trên cũng cảnh báo Washington về hậu quả của việc "dung túng vô điều kiện các phần tử cực đoan" ở Ukraine.

Cùng ngày, Ukraine đã đệ trình lên các quốc gia bảo trợ của Thỏa thuận Budapest đơn thỉnh cầu trợ giúp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước này. Trong đơn thỉnh cầu được Quốc hội Ukraine thông qua, Kiev đã kêu gọi Mỹ và Anh "áp dụng mọi biện pháp ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự có thể" để duy trì độc lập và chủ quyền của Ukraine.

Về việc tách khỏi Ukraine, chính quyền thân Nga ở Cộng hòa tự trị Crimea ngày 11/3 đã mở trang web có địa chỉ referendum2014.ru để phục vụ cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga được tiến hành vào cuối tuần này, đồng thời cho hay họ sử dụng tên miền Nga vì tên miền Ukraine đã bị giới chức ở Kiev chặn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục