Thủ tướng Đức bác bỏ yêu cầu của Mỹ về tăng chi tiêu quốc phòng

Thủ tướng Olaf Scholz đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng Đức và các đồng minh thuộc NATO khác phải tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng Đức và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác phải tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Phát biểu trong một sự kiện vận động tranh cử ngày 13/1, ông Scholz nói: "5% (tổng GDP của các nước thành viên NATO) sẽ là hơn 200 tỷ euro (204 tỷ USD) mỗi năm trong khi ngân sách liên bang của Đức thậm chí còn chưa đến 500 tỷ euro. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng cách tăng thuế mạnh hoặc cắt giảm mạnh nhiều thứ quan trọng đối với chúng ta."

Thủ tướng Đức khẳng định sẽ không chấp nhận cắt giảm lương hưu, và đầu tư cho chính quyền địa phương hoặc cơ sở hạ tầng giao thông.

Đức mới chỉ đạt được mục tiêu chi cho quốc phòng hiện tại của NATO là 2% GDP vào năm 2024, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và Thủ tướng Scholz đã cam kết duy trì mức chi này.

Chi tiêu quốc phòng của Đức vẫn bị hạn chế bởi tình hình ngân sách eo hẹp và các quy tắc hiến pháp nghiêm ngặt chống thâm hụt chi tiêu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, cũng thuộc đảng Dân chủ Xã hội - SPD - của Thủ tướng Scholz, cho rằng: "Tăng cường năng lực chiến đấu của Quân đội Đức trong những năm tới là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này trong năm 2025, và trong những năm tiếp theo, sẽ phải đầu tư nhiều hơn nữa vào an ninh của mình. 2% chỉ có thể là khởi đầu."

Trong khi đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Financial Times của Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz, cho biết yêu cầu của ông Trump là "lời cảnh tỉnh quan trọng" đối với các thành viên NATO.

Ba Lan là nước chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất trong NATO, nếu tính về tỷ lệ tương đối, với mức chi cam kết khoảng 4,2% GDP cho quân đội trong năm 2024, và dự định tăng lên 4,7% vào năm 2026. Bản thân Mỹ cũng mới chi khoảng 3,37% GDP cho quốc phòng.

Những nước NATO chi tiêu cho quốc phòng hàng đầu khác bao gồm các quốc gia vùng Baltic: Estonia (3,43%), Latvia (3,15%) và Litva (2,85%) và Phần Lan (2,41%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 1/10/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

NATO đặt ra ngưỡng mới đối với chi tiêu quốc phòng

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO cho rằng các quốc gia thành viên có thể phải chi 3,7% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng để đáp ứng mục tiêu mới của khối về năng lực quân sự.