Ngày 24/8, Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định nước này có thể hoàn toàn độc lập với nguồn khí đốt của Nga kể từ mùa Thu năm 2024.
Thủ tướng Draghi cho biết trong những tháng qua, Italy đã giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Nước này đã thực hiện các giao dịch mới để tăng nguồn cung, từ Algeria đến Azerbaijan. Italy cũng đã đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, điều cần thiết để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương về năng lượng, và để cắt giảm lượng khí thải. Nếu việc triển khai điều chỉnh mới được tiến hành đúng tiến độ, Italy sẽ có thể hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga kể từ mùa Thu năm 2024.
Thủ tướng Draghi cũng cho rằng nền kinh tế nước này đang đối mặt với sự bất ổn sâu sắc gồm tỷ lệ lạm phát gia tăng khởi nguồn từ chi phí năng lượng và đang đè nặng lên ngân sách của các hộ gia đình và doanh nghiệp; tăng trưởng toàn cầu giảm tốc ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu; điều kiện tiếp cận tín dụng xấu đi và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư… Do đó, ông khẳng định chính phủ đã nỗ lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân; duy trì sự tín nhiệm cao đối với công dân và đối tác quốc tế; và luôn tìm kiếm sự thống nhất về mục đích, đối thoại, gắn kết xã hội.
Phát biểu của Thủ tướng Mario Draghi lần này được xem như một lời chia tay, một dịp để điểm lại 18 tháng điều hành đất nước, thời điểm mà Italy phải đối mặt với những thách thức của đại dịch COVID-19, quản lý chiến dịch tiêm chủng, khủng hoảng tại Ukraine cùng cam kết viện trợ quân sự, tài chính cho Kiev, khủng hoảng năng lượng và khí hậu, buộc chính phủ phải xem xét lại các nguồn cung và tập trung mọi nỗ lực tài chính để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp.
[Đức tuyên bố sẽ không tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga]
Theo kế hoạch, tổng tuyển cử trước thời hạn tại Italy sẽ diễn ra vào ngày 25/9 tới. Hiện liên minh trung hữu gồm đảng Liên đoàn (Lega), Anh em Italy (FdI), Tiến lên Italy (FI) đang giành lợi thế trong các cuộc thăm dò dư luận.
Liên quan tới giá năng lượng, Tổng liên đoàn Italy về doanh nghiệp (Confcommercio) đã cảnh báo chi phí năng lượng gia tăng gây rủi ro cho các doanh nghiệp và việc làm. Theo đó, lạm phát hiện đã lên đến gần 8%, chủ yếu do giá nguyên vật liệu tăng mạnh. Thực trạng này đang khiến khoảng 120.000 công ty trong lĩnh vực dịch vụ và và 370.000 lao động gặp rủi ro từ nay đến 6 tháng đầu năm 2023.
Confcommercio-Imprese nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp can thiệp đột xuất và các biện pháp hỗ trợ mới, trong bối cảnh việc hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga làm gia tăng số lượng các công ty có nguy cơ ngừng hoạt động và gây suy thoái mạnh cho nền kinh tế Italy nửa cuối năm 2022.
Trong khi đó, Chủ tịch Confcommercio Carlo Sangalli khẳng định chi phí năng lượng đang là "tình huống khẩn cấp thực sự". Chính phủ mới sẽ phải đưa ra các phản ứng ngay lập tức, đặc biệt về Quỹ Phục hồi năng lượng châu Âu và áp mức trần giá khí đốt./.