Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được khởi công từ ngày 1/1/2023 nhưng đến nay tại một số gói thầu còn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường.
Nguồn vật liệu - điểm nghẽn cao tốc Bắc-Nam
Ủy ban nhân dân các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ trong tổng số 51 mỏ đã được chủ đầu tư, nhà thầu trình.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công của nhà thầu. Nguyên nhân chính là một số các cơ quan, địa phương chưa nỗ lực, tích cực triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
[Bộ trưởng GTVT: Đã xử lý vướng mắc về nguồn vật liệu Cao tốc Bắc-Nam]
Trước đó, dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các hướng dẫn về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận các địa phương còn chậm trong việc chấp thuận bảng xác nhận khối lượng khai thác của các nhà thầu.
Vì vậy, tại một số gói thầu thuộc dự án Cao tốc Bắc-Nam, nhà thầu không đủ vật liệu đắp để thi công, trong khi điều kiện thời tiết rất thuận lợi.
Ngoài ra, các chủ sở hữu các khu vực mỏ, bãi đổ thải yêu cầu mức hỗ trợ cao gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai.
Đơn cử, là đơn vị triển khai 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, lãnh đạo Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận thừa nhận hiện nay, vấn đề vật liệu xây dựng nói chung, vật liệu cát đắp nền nói riêng là vô cùng khó khăn.
Do vậy, để chuẩn bị triển khai dự án, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định vùng, nguồn cung cấp vật liệu cho dự án, đăng ký làm việc với từng địa phương trong vùng để khảo sát chất lượng, trữ lượng, khả năng khai thác và cung cấp cho dự án, đăng ký với địa phương có nguồn vật liệu để xây dựng kế hoạch, hoàn thiện cái thủ tục cần thiết theo quy định về mở mỏ vật liệu mới, nâng công suất các mỏ đang khai thác...
Đặc biệt, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận đang phối hợp với các bên liên quan thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường cho Dự án Cao tốc Hậu Giang-Cà Mau.
Thủ tướng đốc thúc nâng công suất mỏ vật liệu xây Cao tốc Bắc-Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, công điện và thông báo kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua và có mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ Dự án khẩn trương kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khai thác mỏ mới và nâng công suất các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đang khai thác phục vụ Dự án; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết các thủ tục đăng ký khai thác đã được các nhà thầu trình theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành trước ngày 30/6/2023.
Đồng thời, không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, chủ đầu tư; khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường quản lý nhà nước, hỗ trợ các đơn vị liên quan trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thành lập Tổ công tác gồm Lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an (là thành viên của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải) và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm việc với tỉnh, thành phố thuộc khu vực Dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2023.
Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các yêu cầu nêu trên, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả Dự án.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022, với tổng chiều dài 729km, quy mô 4 làn xe. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập gồm: các đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi-Nha Trang (353km) và Cần Thơ-Cà Mau (109km) đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau), sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng để cơ bản hoàn thành toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào cuối năm 2025./. |