Thủ tướng: 'Đề cao cảnh giác, chấp nhận sống trong trạng thái có dịch"

Thủ tướng lưu ý cần đề cao tinh thần cảnh giác, chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch,” cần “nhận thức rõ ràng, không mơ hồ” và có các biện pháp xử lý trên cơ sở năng lực y tế.
Thủ tướng: 'Đề cao cảnh giác, chấp nhận sống trong trạng thái có dịch" ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá lại kết quả triển khai Kết luận của Thủ tướng triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương theo 3 nhóm nguy cơ từ sau ngày 15/4 đến nay.

“Nhận thức rõ ràng, không mơ hồ”

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận từ các bộ, ngành, địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, phát biểu kết luận phiên họp quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các bộ, ngành và toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt đạt kết quả đáng mừng.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý cần đề cao tinh thần cảnh giác, chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch,” cần “nhận thức rõ ràng, không mơ hồ” và có các biện pháp xử lý trên cơ sở năng lực y tế của đất nước và địa phương.

Thủ tướng nhận xét trong gần 3 tháng qua, cả nước đã kiên trì áp dụng các biện pháp mạnh, kết quả đến thời điểm này là đáng mừng. Đặc biệt là việc áp dụng chính sách cách ly xã hội đúng đắn, nhờ đó trong 6 ngày qua không phát hiện ca mắc COVID-19 mới. Đây là một thắng lợi để chuyển sang một giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại.

“Phòng, chống dịch tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội," Thủ tướng nói.  

Chính vì vậy, Thủ tướng nhắc lại chủ trương ngăn chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực các ca mắc. Thực hiện nghiêm cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người bị nhiễm, người có nguy cơ cao; biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng nhưng cần đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ. Nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch sớm.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; huy động khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người.

Thủ tướng nhấn mạnh một nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội; khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước.

Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sỹ, không được để lây lan trong cộng đồng.

Nới lỏng thận trọng

Trên tinh thần đó, Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất. Theo đó, phân các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.

["Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa bàn có nguy cơ cao"]

Tán thành với nhiều ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa bàn của Hà Nội là nguy cơ cao như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có những ca mắc mà chưa đủ 14 ngày.

Một số huyện của Hà Nội thuộc diện nguy cơ cao cần áp dụng nghiêm Chỉ thị 16. Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với các địa bàn có nguy cơ cao của thành phố.

Thủ tướng cho rằng huyện có bệnh nhân COVID-19 tại Hà Giang là huyện nguy cơ cao.

Cùng với đó, Thủ tướng đặt ra yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện cho hoạt động bình thường của người dân.

Không được quá vui mừng mà phải cảnh giác để đề ra các biện pháp cụ thể trong phòng, chống COVID-19, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng: 'Đề cao cảnh giác, chấp nhận sống trong trạng thái có dịch" ảnh 2Mật độ người tham gia giao thông đông trở lại trên phố Xã Đàn, Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh chụp chiều 21/4/2020). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh lưu thông hàng hóa.

Thủ tướng chỉ đạo, trong phạm vi quốc gia, Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là những vùng dễ lây lan dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình chống lây lan trong cộng đồng; đặc biệt phổ cập cho người dân, hướng dẫn chi tiết, cách xử lý các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong quá trình hoạt động với quy trình nhanh nhất, tốt nhất.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai sản xuất, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.

Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển, từ sản xuất bộ KIT và khẩu trang để tăng trưởng sản xuất kinh doanh và có thu nhập đi đôi với phòng bệnh.

Các ngành công an, quân đội, địa phương, cơ sở xã, phường có trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự; chống đua xe, nhậu nhẹt đông người dễ lây nhiễm dịch bệnh.

Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao ngành Giáo dục và các địa phương đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống COVID-19 thời gian qua. 

Thủ tướng yêu cầu, ngành Giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại an toàn, chu đáo; phát huy học qua mạng, truyền hình rất thành công trong thời gian qua; dạy học có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông; thi Đại học, Cao đẳng.

Bộ cần ra đề thi đảm bảo nâng cao chất lượng; do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo trung thực; tăng cường thanh tra, giám sát. Tăng cường sử dụng công nghệ để đảm bảo tính trung thực của hỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy chế cụ thể để áp dụng trong toàn quốc một cách nề nếp, an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục