Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ "tranh đấu cho nước Anh" khi ông tới Brussels (Bỉ) dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2016 với một trong những nội dung chính của chương trình nghị sự là xác định tương lai của "xứ sở sương mù" tại EU.
Phát biểu với báo giới tại Brussels tối 18/2, Thủ tướng Cameron khẳng định ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận không đáp ứng những yêu cầu cải cách mà Anh đặt ra. Ông cũng nói rằng điều quan trọng là có được một thỏa thuận tốt và bày tỏ tin tưởng với thiện chí và thái độ làm việc tích cực, có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn cho nước Anh.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết tất cả các bên vẫn đang ở giữa "các cuộc thương lượng rất khó khăn và nhạy cảm", đồng thời nói thêm rằng đây là một hội nghị thượng đỉnh "được ăn cả, ngã về không."
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ tin tưởng đạt được một thỏa thuận với London tại hội nghị này và Anh sẽ vẫn là một thành viên năng động và xây dựng của EU.
Thủ tướng Cameron sẽ bước vào các cuộc thương lượng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande cùng các vị đồng cấp khác trong EU gồm 28 nước thành viên về một thỏa thuận mới cho nước Anh, trước khi ông tiến hành cuộc trưng cầu ý dân để cử tri nước này quyết định sẽ ở lại hay rời khỏi EU sau hơn 4 thập niên "cùng chung một mái nhà."
Giới quan sát đánh giá mặc dù tinh thần chung của các bên là muốn đạt được một thỏa thuận tại hội nghị lần này, nhưng không chắc chắn ông Cameron sẽ đạt được tất cả những yêu cầu chính.
Một văn bản dự thảo liên quan hội nghị này mà báo Anh The Guardian (Người bảo vệ) có được cho thấy khác biệt giữa hai bên đang mở rộng ra thay vì được thu hẹp. Pháp và các nước khác trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không đồng ý với yêu cầu của Anh muốn các nước nằm ngoài Eurozone có quyền can dự vào những cuộc thảo luận về luật mới cho Eurozone.
Các nước Trung và Đông Âu đi đầu trong việc phản đối yêu cầu của Anh hạn chế phúc lợi trẻ em đối với công dân EU nhập cư, theo đó những công dân EU làm việc ở Anh trong 4 năm đầu sẽ không được nhận phúc lợi trẻ em để gửi về cho con cái của họ ở quê nhà.
Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều nước thành viên đối với đòi hỏi được miễn trừ thực hiện điều khoản hội nhập chính trị hơn nữa trong EU. Một nhà ngoại giao cấp cao cho biết các nhà lãnh đạo sẽ có các cuộc thảo luận sâu rộng về định nghĩa một nước thành viên EU./.