Thủ tướng: Đấu tranh với tệ nạn ma túy để duy trì giống nòi

Nêu bật Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác phòng chống ma túy và cai nghiện hết sức cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội...
Thủ tướng: Đấu tranh với tệ nạn ma túy để duy trì giống nòi ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy.

Hội nghị do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh thành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, thực tế đang nổi lên là dù nhiều vụ án ma túy lớn liên tục được phát hiện và xử lý nghiêm khắc, nhưng tội phạm ma túy không giảm. Tình trạng nghiện ngập gia tăng trong thanh niên và một số thành phần dân cư, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu...

Vừa qua các địa phương cũng đã đưa các đối tượng nghiện vào các trại cai nghiện nhưng lại chưa dành sự quan tâm đúng mức. Có những địa phương kinh tế khá nhưng không quan tâm đến việc cai nghiện ở cả cộng đồng và các trại cai nghiện.

Trong khi đó, các dạng ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp, không chỉ có nguồn gốc từ buôn bán trái phép mà hiện nay ở Hà Nội đã có đối tượng chế tạo ra loại ma túy này. Vì vậy nếu không có biện pháp mạnh, kiên quyết, cả hệ thống không vào cuộc thì tình hình sẽ rất nghiêm trọng. 

Tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Trước những tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới và trong khu vực, làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nguồn ma túy vẫn chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp tiếp tục thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó tỷ lệ mua bán, sử dụng các loại ma túy tổng hợp đang có sự gia tăng mạnh. Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, ở khu vực biên giới Tây Bắc và Bắc miền Trung, lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy vào nội địa với số lượng ngày càng lớn, chiếm 26% so với cả nước. Đáng chú ý, trong năm 2016, tình trạng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, các đối tượng hoạt động với phương thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt. 

Thượng tướng Lê Quý Vương cho hay tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp nhất là ma túy tổng hợp dạng “đá” tăng mạnh so với năm 2015. Ma túy tổng hợp chủ yếu được thẩm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, một phần từ Lào, Campuchia và các nước Tây Phi.

Tình trạng sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp diễn biến hết sức phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố lớn. Một số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp đã không kiểm soát được hành vi, dẫn đến các hành vi giết người hết sức dã man đã xảy ra trong thời gian qua, gây nhức nhối trong xã hội.

Theo thống kê, cả nước có gần 211.000 người nghiện ma túy, tăng hơn 10.600 người so với năm ngoái. 67,5% số này đang sinh sống ngoài xã hội. Năm 2016, cả nước đã phát hiện, điều tra 19.333 vụ, bắt hơn 31.000 đối tượng tội phạm về ma túy; thu giữ hơn 600 kg heroin, hơn 92kg thuốc phiện, 1,6kg cỏ Mỹ. 

Phân tích những nguyên nhân khiến công tác cai nghiện ma túy chưa đạt hiệu quả như mong muốn, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, nhiều địa phương chưa thật sự coi trọng công tác cai nghiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người nghiện tăng nhanh. Nhiều tỉnh có số lượng người nghiện rất cao như Điện Biên, Lai Châu, Nam Định... nhưng kinh phí dành cho công tác cai nghiện rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng 2 - 4%% so với nhu cầu.

Bên cạnh đó, trình độ nhân lực ở các trung tâm cai nghiện còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu nên chủ yếu vẫn là quản lý hành chính, chưa có kỹ năng tư vấn tâm lý hoặc đào tạo nghề cho học viên…khiến kết quả không cao. 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phân tích tình hình cơ sở cai nghiện tập trung trên cả nước hiện nay rơi vào 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất là cơ sở cai nghiện tập trung không sử dụng hết, để hoang hóa, có nơi cán bộ nhiều hơn học viên; trường hợp thứ 2 là nhóm các tỉnh trọng điểm về số lượng người nghiện thì thường quá tải, chật chội dẫn đến học viên phá trung tâm, bỏ trốn.

“Nhiều cơ sở cai nghiện xuống cấp, có nơi không đủ điều kiện là nơi điều trị người nghiện vì cai nghiện tập trung là nơi chữa bệnh chứ không phải cai quản. Phổ biến tình trạng chật chội, tới 40-50 học viên/phòng chứ không phải 8-9 người. Thậm chí có nơi không đủ chỗ vệ sinh tắm rửa,” ông Đàm lo ngại. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc điều trị cai nghiện bằng Methadone đã được nhân rộng ra tuyến xã, phường và nhiều địa phương triển khai rất tốt, đạt 63% kế hoạch. Tuy nhiên cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác cai nghiện là nguồn nhân lực ở cơ sở. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẵn sàng cung cấp thuốc và tổ chức tập huấn cho cho cán bộ y tế, nhưng chính quyền địa phương phải bố trí được nhân lực và theo dõi để duy trì. 

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ ma túy lớn. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thậm chí là cả sự hy sinh của cán bộ chiến sỹ thì chắc chắc tình hình ma túy ở nước ta nghiêm trọng hơn nhiều. Tuy vậy, tình hình đang diễn biến phức tạp, nhất là với một số dạng ma túy mới. Trong khi đó, không ít địa phương chưa quan tâm đến việc này. 

Nêu bật Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác phòng chống ma túy và cai nghiện hết sức cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn ma túy để đem lại hạnh phúc gia đình và duy trì giống nòi.

Thủ tướng yêu cầu các lực lượng: Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Hàng không tăng cường công tác trấn áp tội pham ma túy, truy tố và xét xử nghiêm những đối tượng cầm đầu trong các vụ buôn bán ma túy; Bộ Lao động Thương binh và xã hội mở rộng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng; Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh các ứng dụng điều trị có hiệu quả...

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chú trọng đầu tư, chủ động lên dự toán kinh phí dành cho việc này và coi người nghiện ma túy là bệnh nhân cần được chữa trị, tuyệt đối không được coi họ là tội phạm; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc sử dụng ma túy; các cơ quan chức năng cần rà soát lại chính sách liên quan để xác định rõ các đối tượng nào cần đưa vào trung tâm, đối tượng nào có thể điều trị ngoài cộng đồng để công tác cai nghiện đạt hiệu quả cao./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục