Chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cuộc họp được kết nối tới hơn 9.000 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Thống nhất chỉ đạo, thực hiện báo cáo và phối hợp đồng bộ
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, theo chỉ đạo của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, ngày 25/8/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được kiện toàn, nhằm huy động sự tham gia của đầy đủ, đồng bộ cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia mới kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Ban Chỉ đạo Quốc gia trước đây đã đạt được.
Theo Thủ tướng, hội nghị lần này được kết nối tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 9.043 xã, phường, thị trấn trong cả nước. Thông qua hệ thống trực tuyến này nhằm thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch từ Trung ương tới tận xã, phường, thị trấn; đồng thời để Trung ương gần với cơ sở hơn, thấu hiểu, chia sẻ được nhiều hơn với cơ sở.
Tuy nhiên, trên cơ sở chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, công việc thuộc cấp nào, cơ quan nào, cấp đó, cơ quan đó phải thực hiện, trên nguyên tắc cấp trên chỉ đạo cấp dưới, cấp dưới phải báo cáo cấp trên, ngang cấp sẽ phối hợp, chia sẻ cùng nhau.
Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ rõ, đến ngày 05/9/2021 vẫn còn 8 địa phương chưa thiết lập Trung tâm chỉ huy. Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu những nơi chưa làm thì kiện toàn ngay các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp do Bí thư cấp ủy đứng đầu; thiết lập Trung tâm chỉ huy do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và tổ chức ứng trực 24/24.
“Cần có mục tiêu cụ thể khi thực hiện giãn cách”
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến ngày 4/9/2021, cả nước đã ghi nhận hơn 508.000 ca mắc, trong đó 279.699 người đã khỏi bệnh, 12.758 ca tử vong. Có 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 6 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.
Giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 - 04/9/2021 tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc. Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.
So với 01 tuần trước, 07/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng; 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước, trong đó, 8 tỉnh có tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, trọng tâm của cuộc họp là làm sao triển khai phòng, chống dịch tại xã phường, thị trấn - là nơi có đầy đủ hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị xã hội; là cấp hành chính gần dân nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất và trực tiếp với dân.
Người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp đặt câu hỏi, chất vấn, kiểm tra tình hình, công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Đặc biệt, khi thực hiện giãn cách xã hội, xã, phường, thị trấn phải làm gì, người dân phải làm gì. Đồng thời, Thủ tướng nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp, công việc mà các xã, phường, thị trấn phải thực hiện ngay nhằm phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, những kết quả trong phòng chống dịch cho thấy chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân” đang là chủ trương đúng. Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống dịch vẫn chưa đạt kết quả cao như mong muốn.
Theo Trưởng Ban Chỉ đạo, khi đã thực hiện giãn cách thì cần phải có mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu đó. Khi mục tiêu đã rõ, chiến lược đã thông, phương pháp đã được xác định, cần tập trung, quán triệt nghiêm túc, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành, nhất là tại xã, phường, thị trấn.
Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các địa phương khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được là gì.
"Khi thực hiện giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội." Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần phải kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.
Còn tồn tại một số hạn chế
Về những tồn tại và hạn chế, người đứng đầu Chính phủ nhận định vẫn còn một số địa phương (cụ thể như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ…) khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông… nên gây bức xúc trong dư luận.
Một số địa phương ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia.
Thủ tướng chỉ cụ thể công tác chỉ đạo, chỉ huy của một số địa phương còn chậm, thiếu quy chế. An ninh, trật tự, nhất là tại các khu công nghiệp, tập trung đông lao động còn tiềm ẩn bất ổn. An ninh mạng thông tin có nhiều phức tạp. Tình trạng gian lận thương mại, nhất là lợi dụng vận chuyển hàng hóa, thậm chí buôn bán thuốc giả xuất hiện...
Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng có xã, phường, thị trấn có lúc chưa thực hiện nghiêm các quy định, khi thực hiện giãn cách xã hội còn tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong.” Một số người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng, chống dịch nghiêm túc.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành... cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo, căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, từng thời điểm... để phòng, chống dịch hiệu quả hơn; quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng nhắc nhở khâu tổ chức thực hiện ở cơ sở vẫn còn yếu, công tác điều hành còn bộc lộ những hạn chế, bất cấp, dẫn đến hiệu quả không cao. Một số chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ cơ sở, tình nguyện viên cần tiếp tục được xem xét, cập nhật, bổ sung phù hợp.
Thủ tướng lưu ý về tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, an ninh công nhân tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nếu không làm tốt công tác phòng ngừa dễ bị kích động, bùng phát thành điểm nóng về an ninh trật tự.
Tình trạng vận chuyển vật tư, trang thiết bị, thuốc giả, hàng kém chất lượng, không có hóa đơn, xuất xứ diễn biến phức tạp.
“Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”
Thủ tướng đánh giá cao các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nỗ lực nhiều dù thời gian giãn cách dài. Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên, cho thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc rõ nét, hiệu quả, làm vì tình đồng bào, đồng chí, "lá lành đùm lá rách", thương người như thể thương thân, thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc vaccine còn thiếu thì phòng là quan trọng. Phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây, tìm kiếm F0, Phát hiện truy vết tìm F1 để cách ly.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường, Nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đời sống nhân dân sẽ khó khăn; doanh nghiệp đình trệ sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy… Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Theo đó, các địa phương phải thực hiện triệt để 5 nhiệm vụ chủ yếu: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó;” Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; Tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ phòng, chống COVID-19, Tổ đáp ứng nhanh cộng đồng, Tổ quản lý, chăm sóc tại nhà ở một số địa phương thực hiện điều trị F0 tại nhà. Đối với các địa phương khác: Chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm diện rộng, thần tốc tới tất cả người dân, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao, vùng đỏ, thì xét nghiệm 100% dân số trong vòng 3-5 ngày, để nhanh chóng đưa F0 ra, để địa bàn trở về xanh. Các địa phương đang xanh thì vẫn tiếp tục xét nghiệm tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện F0 và truy vết nhanh, dập dịch nhanh.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp; bảo đảm môi trường lành mạnh cho an sinh, an dân.
Về sản xuất và lưu thông hàng hóa an toàn, Thủ tướng yêu cầu từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu. Xem xét thiết lập cơ chế an toàn gồm “di chuyển an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn, thích ứng an toàn”.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần tiếp tục đảm bảo cung cấp thông tin về dịch bệnh minh bạch, kịp thời đến người dân. Truyền thông là để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm, chỉ có như vậy thì mới chống dịch thành công.”
Chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ xác định chiến lược vaccine là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng và các cấp, ngành, đơn vị hết sức nỗ lực, trong đó có thực hiện chiến dịch ngoại giao vaccine.
Riêng Thủ tướng đã tiếp xúc, điện đàm, gửi thư tới hàng chục lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất tiêm phòng cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu cần phải đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động. Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao, chú ý về vaccine cho trẻ em.
Cùng đó, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi nhân dân thông cảm, chia sẻ và tích cực tham gia phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan. “Trong bối cảnh vaccine chưa đủ, để đảm bảo thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 thì chúng ta thực hiện phòng chống dịch cơ bản vẫn là biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan ra cộng đồng đòi hỏi phải có sự chia sẻ thông cảm, hưởng ứng của nhân đân để thực hiện,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu song song với việc nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; cần chủ động, nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong một hai tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine.
Để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 86/NQ-CP và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện mọi chính sách, hoạt động đều hướng đến người dân và người dân tham gia thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch theo quy định.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kịch bản khôi phục kinh tế xã hội; Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tuân thủ thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo Quốc gia./.
Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 17h ngày 5/9 Trong nước: - Số ca nhiễm: 524.307 ca Thế giới: - Số ca nhiễm: 221.255.194 ca |