Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp

Chỉ hơn 30 phút sau khi kết thúc "Hội nghị Diên Hồng" lần thứ 2, ngay trong chiều 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành để xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp.
Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chỉ hơn 30 phút sau khi kết thúc "Hội nghị Diên Hồng" lần thứ 2 giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ngay trong chiều 17/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành để xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó thống nhất chủ trương, giải pháp xử lý những kiến nghị này với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện VCCI; các hiệp hội, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và trực tiếp tham gia ý kiến đóng góp vào việc xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế của Chính phủ.

Những nội dung góp ý của các thành viên Chính phủ xoay quanh dự thảo Chỉ thị về triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ và mốc thời gian cụ thể với 8 mục để lấy ý kiến của các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp.

[Thủ tướng: Chính phủ và địa phương đã "gãi đúng chỗ doanh nghiệp ngứa"]

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, góp ý vào dự thảo theo hướng bám sát các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp. Các giải pháp, nhiệm vụ này phải khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay để bảo đảm đúng tiến độ các mục tiêu của Nghị quyết 35, được ban hành hơn một năm sau hội nghị đầu tiên giữa Thủ tướng và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng có 14 nội dung cần bổ sung vào dự thảo Chỉ thị như: Vấn đề hóa đơn điện tử, mạng dùng chung của các hộ cá thể, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề khởi nghiệp; tiếp cận đất đai; thế chấp đất đai vay vốn… và những vấn đề quan trọng để tháo gỡ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.

Về chủ trương chuyển đổi 5 triệu hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, nếu làm tốt thì đến năm 2020 có thể nâng tổng số doanh nghiệp cả nước lên 1,4 triệu doanh nghiệp. Nhưng nếu làm không tốt thì đạt 1 triệu doanh nghiệp cũng là khó. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo cần có biện pháp thực hiện tốt công việc này, trong đó có chính sách thuế.

Đây là biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng thu ngân sách, quy mô GDP của nền kinh tế.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để đưa tín dụng vào nền kinh tế thông qua những biện pháp cụ thể theo hướng thuận lợi, hiệu quả hơn và quy định rõ trong Chỉ thị nhằm tạo nguồn lực cho phát triển, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo quy định cụ thể trong dự thảo Chỉ thị vấn đề hỗ trợ tư pháp cho các doanh nghiệp, nhất là nhóm các quy định về phá sản doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội tại cuộc họp, sớm hoàn tất dự thảo trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục