Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 'Không để thiếu điện trong năm 2019'

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Tài chính xem xét kỹ kịch bản tăng giá điện và những tác động do EVN xây dựng để đánh giá.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ ngày 3/12. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 3/12, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu "không để thiếu điện trong năm 2019."

Trước đó, Người đứng đầu Chính phủ đã "nhiều lần gửi thư cho các lãnh đạo cơ quan chức năng, yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt, nếu không thực hiện tốt sẽ truy trách nhiệm các bên liên quan."

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, liên quan tới vấn đề thiếu than cho sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, Thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, không để thiếu than cho điện như vừa qua.

[TKV đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã ký cho các nhà máy nhiệt điện]

Lượng than của TKV tăng 22%

Làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, theo báo cáo của Tập đoàn Than, Khoán sản Việt Nam (TKV) thì năm nay lượng than khai thác tăng 22% so với năm 2017, trong khi phía Tổng Công ty Than Đông Bắc cũng tăng 15% so với năm 2017.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, cả hai đơn vị này đã hết sức cố gắng, song do năm 2018 lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng đến thủy điện, trong khi giá than thế giới cao hơn bình thường nên một số doanh nghiệp không mặn mà nhập khẩu.

"Chúng tôi phải khẳng định thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ, nếu trong trường hợp trong nước không đủ than thì phải nhập than. Quan trọng nhất là chúng ta phải khẳng định luôn luôn bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt," ông Hải cho hay.

Cũng liên quan đến việc này, cuối tuần trước (ngày 28/11), thông tin về tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện năm 2018 và dự kiến kế hoạch sản xuất năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc TKV đã lý giải nguyên nhân khiến tiêu thụ than trong nước biến động mạnh.

Theo ông, một mặt là do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.

Một nguyên nhân nữa là do giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/tấn tuỳ chủng loại, dẫn tới các hộ tiêu thụ như điện, xi măng, hoá chất, thép chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung cầu thay đổi nhanh.

"Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp," ông Nguyễn Hoàng Trung nói.

Xem xét kỹ kịch bản điều hành điện

Liên quan đến giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tổng doanh thu năm 2017 của EVN là 289.954 tỷ đồng, trong đó riêng tổng chi phí sản xuất điện là 291.300 tỷ đồng

Như vậy, theo ông, với 2 con số trên thì kinh doanh của EVN đang bị lỗ. Tuy nhiên, EVN có thêm mộ số khoản thu nhập như tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận mà EVN có hợp tác, liên doanh trong ngành điện.

Ngoài ra, năm 2017 EVN có khoản chênh lệch tỷ giá là 5.117 tỷ đồng. Như vậy nếu cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017 thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng.

Về kịch bản điều hành giá điện, ông Hải cho biết năm 2018 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc việc không điều chỉnh tăng giá điện, cũng không xem xét nếu EVN tăng giá.

Song khi nói về kịch bản điều hành giá điện 2019, ông Hải cho rằng, Bộ sẽ thực hiện theo Quyết định 24/TTg, đồng thời cơ quan này đã đưa ra 4 kịch bản tưởng ứng với tình hình thủy văn cũng như dự báo về tăng trưởng điện năng.

Ông Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo dúng quy định và có xem xét các tác động của việc điều chỉnh giá điện.

"Sau khi EVN xây dựng phương án Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Tài chính để thẩm tra, thẩm định và phối hợp với Tổng cục Thống kê để đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt," lãnh đạo Bộ Công Thương nói.

Cũng theo ông Hải, dự kiến, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ.

"Qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu, có thể đắt hơn, nhưng quan trọng nhất Bộ Công Thương khẳng định bảo đảm đủ điện trong năm 2019," ông Hải thông tin thêm./.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói về kịch bản điều hành giá điện.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục