Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quyết tâm phấn đấu giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,7% và có đủ cơ sở để đạt được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quyết tâm phấn đấu giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,7% và có đủ cơ sở để đạt được và phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng này, tránh ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của đất nước.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư, chiều 4/5, đánh giá về kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu tốt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh, 43/63 tỉnh thành thu ngân sách đạt trên 32%. Du lịch, FDI có tiến bộ lớn.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhiệm vụ còn lại rất nặng nề đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải rất nỗ lực.

[Thủ tướng: Nỗ lực vượt qua hai sức ép hiện tại của nền kinh tế]

Thủ tướng yêu cầu từng bộ, địa phương phải đưa ra giải pháp cụ thể, có đối sách và giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn, mở rộng thị trường cả nội địa và xuất khẩu, chú trọng thị trường mới; hỗ trợ công nghiệp chế biến. Trong xuất khẩu chú ý đi vào chính ngạch để kiểm soát và tạo nguồn thu,

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư Nhà nước; tăng cường phân cấp giao quyền để nhanh chóng đưa vốn ra xã hội, không om giữ bất kỳ khoản vốn nào khi đã có chủ trương đầu tư.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát lại các mặt hàng chủ lực, nhất là dầu khí, cần tăng sản lượng khai thác từ 1 đến 1,5 triệu tấn. Với than cần tăng sản lượng lên 2 triệu tấn; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ít nhất 13%; điện phải đảm tăng 11,5% và đặc biệt bảo đảm điện cho mùa hè. Cùng với đó, xuất khẩu phải đạt và vượt kế hoạch đề ra; Bộ Công thương và các bộ, ngành tập trung chỉ đạo thi công; sớm xử lý 12 dự án thua lỗ.

Đối với ngành xây dựng, Thủ tướng yêu cầu tăng ít nhất trên 10%; phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, chú trọng đến nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.

Với du lịch, Thủ tướng mong muốn lĩnh vực kinh tế này cần phấn đấu tăng trưởng 30% so với năm 2016, trong đó phải chú ý chất lượng, an toàn, chống tiêu cực trong kinh doanh du lịch; phấn đấu đạt mục tiêu khách du lịch quốc tế đạt 15 triệu khách trong năm 2017.

Liên quan đến nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trên 3% đi liền với nghiên cứu thị trường trong nước, xuất khẩu, tập trung xử lý vấn đề giá các mặt hàng nông sản một cách chủ động; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu ngành ít nhất 33 tỷ USD trong năm nay. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tập trung nghiên cứu mô hình tích tụ ruộng đất ở một số địa phương đang triển khai để nhân rộng, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công Thương cần có biện pháp giám sát chặt chẽ các mặt hàng trong nước sản xuất được, có tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp, nhất là với các mặt hàng nông sản.

Chính phủ lưu ý các cơ quan chức năng, các trung tâm lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng phát triển và quản lý tốt thị trường trong nước, nhất là hệ thống siêu thị; kiểm soát các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ trong nước. Bộ Công thương chủ động phối hợp với Bộ Công an có giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm bán hàng đa cấp.

Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; xử lý nghiêm người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm trễ trong cổ phần hóa và thoái vốn.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng điện, than và các mặt hàng khác, đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng không quá 4%. Nhất là trong bối cảnh sức ép tăng giá còn lớn, trong đó có giá dầu thô thế giới.

Các ngành chức năng phải tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nhất là thúc đẩy giải ngân gói 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao để góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Một biện pháp quan trọng là đi liền với chỉ đạo sản xuất , phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng, Quốc hội,” Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng tại phiên họp, các bộ, ngành đã cho ý kiến về một số nhiệm vụ như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và tiêu thụ các mặt hàng công nghiệp-xây dựng còn tồn đọng; nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút mạnh khách du lịch và công tác chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ tập trung hơn nữa đến các nhiệm vụ như tăng cường giải ngân vốn đầu tư Nhà nước; thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ tập trung giám sát các sản phẩm quốc gia, nhất là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các công trình giao thông trọng điểm của đất nước bởi đây là những công trình, dự án có tác động lớn đến việc điều tiết đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./. 

Tại phiên hợp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu giải quyết tốt các điểm nóng, nhất là về đất đai, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Thủ tướng giao Hà Nội tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc tại Đồng Tâm, Mỹ Đức để xử lý kịp thời các sai phạm và rút kinh nghiệm chung, cùng với đó là kiểm tra xử lý khai thác cát trái phép, cương quyết lập lại trật tự; xử lý nghiêm các vụ phá rừng; xử lý tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Đối với công tác lập lại trật tự vỉa hè, vệ sinh đường phố, chống ùn tắc đang triển khai tốt tại các đô thị lớn của cả nước, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện có bài bản, đạt kết quả đến cùng, không để tái diễn vi phạm.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục