Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, bám sát dự kiến trình Đại hội Đảng các cấp về các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, đầu tư); Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là thu hút tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Vốn đầu tư công tập trung để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác; không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.
Các bộ, ngành, địa phương quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công-tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...
Không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công
Về nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 20 nêu rõ việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực được phê duyệt.
Việc lập kế hoạch cũng phải phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.
Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 do cấp có thẩm quyền quyết định; đặc biệt, không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.
[Phân công cơ quan soạn thảo 43 văn bản quy định thi hành các luật]
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành và địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025; chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên, các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành; hoàn trả các khoản vốn ngân sách nhà nước ứng trước kế hoạch; các khoản vốn vay của ngân sách địa phương.
Các cơ quan bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch năm 2020 và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để tổ chức lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư khởi công mới giai đoạn 2021-2025, vốn để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch; bố trí vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1/1/2015.
Chỉ thị nhấn mạnh, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên
Theo Chỉ thị, trên cơ sở các căn cứ, các nguyên tắc, mục tiêu, định hướng đầu tư công giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành, các địa phương lựa chọn danh mục và bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn của từng nguồn vốn trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình theo thứ tự ưu tiên.
Cụ thể dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án khởi công mới.
Dự án khởi công mới phải đáp ứng điều kiện sau: Chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch theo quy định; sau khi đã bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định; bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt./.