Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương đã khai mạc sáng 2/7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,08% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả,” các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành và quyết liệt triển khai các chương trình, kế hoạch hành động theo đúng kịch bản tăng trưởng từng quý đối với từng ngành, lĩnh vực. Những kết quả đã đạt được không chỉ cho thấy sự đúng đắn trong đánh giá, nhận định tình hình mà còn khẳng định hiệu quả từ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và liên tục của Chính phủ trong nửa đầu năm 2018.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm không chỉ là những diễn biến tình hình khu vực và quốc tế mà đặc biệt là việc nhận diện được những yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với việc điều hành, quản lý kinh tế xã hội của đất nước để từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đưa ra các giải pháp sát đúng với tình hình địa phương, bộ ngành, vùng miền cả nước.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập hợp 18 vấn đề cần tập trung thảo luận tại phiên họp này; trong đó có những nội dung như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và các vấn đề bức xúc khác cần quan tâm.
Đề nghị các địa phương nêu rõ các khó khăn, trở ngại, các bộ trưởng, trưởng ngành nêu rõ các chủ trương, biện pháp định hướng giải quyết, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ trưởng, trưởng ngành với tư cách là “tư lệnh lĩnh vực” trong việc tạo ra những biện pháp tổng thể, đồng bộ giữa bộ, ngành với địa phương. Từ đó “xác định những việc cần làm” để tiếp tục phát triển.
Tóm tắt những nét chính về tình hình đất nước nửa đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, kinh tế xã hội tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực và có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên mọi lĩnh vực mà nổi bật là GDP 6 tháng tăng 7,08%. Đặc biệt là cả 3 khu vực kinh tế đều tăng cao hơn cùng kỳ, trong đó nông nghiệp tăng cao nhất bên cạnh dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Thủ tướng cho biết, mới đây Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,8%; lạm phát ở mức 4% năm 2018. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch xếp hạng Việt Nam là nước kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Đó là nhận định của một định chế tài chính lớn nhưng việc có đạt được kết quả này hay không phụ thuộc chính vào chúng ta, vào quyết tâm, tinh thần đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của chúng ta,” Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng cho biết thêm, 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 33% so với GDP. Đầu tư FDI tăng gần 6%. Thu ngân sách nhà nước tăng trên 14%. Xuất khẩu tăng 16%, tiếp tục xuất siêu trên 2,71 tỷ USD. Việt Nam đã có trên 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giữ được thị phần và thêm nhiều sản phẩm mới.
Kinh tế đối ngoại có nhiều thành công, một số Hiệp định mới được ký kết. Năng lực sản xuất trong nước cũng được tiếp tục tăng trưởng với trên 54,5 ngàn doanh nghiệp mới được thành lập. Xu hướng kinh doanh tích cực hơn.
Điều đáng mừng là an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện. Số hộ thiếu đói giảm mạnh, phát hành đến 22 triệu thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí, nhiều thị trường lao động mới. Bộ máy và biên chế có tiến bộ so với cùng kỳ.
Đã tạo ra một không khí phấn khởi kinh doanh trong toàn xã hội, củng cố niềm tin nhà đầu tư và nhân dân - Thủ tướng đánh giá.
Cung cấp kết quả điều tra của viện nghiên cứu dư luận xã hội, Thủ tướng cho biết trên 71% người dân ghi nhận sự chuyển biến tích cực về đối ngoại, hợp tác quốc tế, đặc biệt 91% tin tưởng vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng nhận định, thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Nhiều ngành, địa phương năng động, sáng tạo trong phát triển đóng góp cho ngành, địa phương mình và đất nước.
“Nhiều đồng chí quyết liệt, năng động, trách nhiệm cao trong tìm lối đi, cách làm để phát triển địa phương mình trong khuôn khổ pháp lý mà Đảng, Nhà nước giao phó,” Thủ tướng biểu dương và khẳng định trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
“Đây là thành quả quan trọng cần tiếp tục được phát huy hơn nữa trong thời gian tới, nhất là tinh thần trách nhiệm, tâm huyết lăn xả vào công việc của nhiều cán bộ, đảng viên,” Thủ tướng nói.
Có nhiều vụ việc, vụ án xảy ra nhưng “không vì thế mà chùn bước trong phát triển,trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Cảnh báo 3 nguy cơ cần hết sức chú trọng để có những đối sách phù hợp, kịp thời trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, đầu tiên là thiên tai đang rình rập mà điển hình như mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai vừa qua.
Vấn đề tiếp theo công tác đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là vụ việc ở Bình Thuận vừa qua là bài học kinh nghiệm chung cho các địa phương trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân tạo điều kiện cho đất nước phát triển. Chỉ đạo thêm về vấn đề này, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu không được để kẻ xấu kích động nhân dân và cho rằng vẫn còn một số địa phương còn tư tưởng chủ quan trong khi đây chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Nội dung thứ 3 theo Thủ tướng là những vấn đề xã hội bức xúc như an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học, bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm, …đang gây nhức nhối trong nhân dân.
“Việc để tình trạng bức xúc xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân và thế hệ mai sau," Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại yêu cầu cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân ở mọi cấp mọi ngành nhưng đồng thời cũng phải thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo kỷ cương, phép nước.
Phân tích những tồn tại về kinh tế nửa cuối năm 2018, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến sức ép của lạm phát 6 tháng cuối năm chủ yếu là do tác động từ các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng. Đề nghị hội nghị thảo luận sâu về nội dung này, Thủ tướng chỉ đạo cần những giải pháp cụ thể để kiểm soát không quá 4% lạm phát năm 2018, tạo điều kiện cho ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018, giá dịch vụ y tế đủ điều kiện mới được tăng.
Tiếp tục bày tỏ lo lắng về tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, một khâu yếu trong quản lý, điều hành dù tỷ lệ này 6 tháng vừa qua có tăng cao hơn năm trước đạt 33% nhưng Thủ tướng cho rằng công tác này vẫn còn chậm, cần nhanh chóng được cải thiện.
Khẳng định mục tiêu lớn nhất là phải hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch năm 2018, nhất là mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải đạt chỉ số tăng trưởng quý 3 ở mức 6,53%; Quý 4 phải đạt 6,36% trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều phức tạp.
“Tăng trưởng là mục tiêu bao trùm để chúng ta giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, giảm nợ công,” Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ các rào cản, tiếp tục củng cố, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm.
TTXVN tiếp tục cập nhật nội dung của hội nghị./.