Khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Trong đó, chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông được tổ chức vào sáng nay (16/4), tại Hà Nội.
[Vì sao chi phí logistics của Việt Nam lại ở mức cao?]
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%. Tuy nhiên, vấn đề nội cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam ở mức cao, tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.
Trong khâu vận tải, tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics và ở mỗi mặt hàng lại có tỷ lệ khác nhau.
Theo đánh giá sơ bộ, cơ cấu chi phí chủ yếu của các phương thức vận tải hàng hóa trong tổng chi phí vận tải bao gồm chi trực tiếp (khấu hao, tiền lương công nhân vận hành, nhiên liệu, sửa chữa, bảo dưỡng) chiếm từ 60% đến 80%; chi phí gián tiếp (chi phí quản lý điều hành, lệ phí cầu đường, bến bãi, chi phí khác…) chiếm từ 20% đến 40%.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có 15 hội nghị toàn quốc để giải quyết vấn đề logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, dịch vụ. Tuy nhiên, logistics vẫn là khái niệm còn rất mới ở Việt Nam. Nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm để phát triển loại hình kết nối hạ tầng giao thông, luân chuyển hàng hóa có tính chiến lược này.
“Tổ chức giao thông vận tải hiện nay mới đơn tuyến, chỉ tập trung vào đường bộ, chưa có biện pháp kết nối hiệu quả. 45% xe quay về không chở hàng, làm sao chi phí không cao? Nếu chúng ta không làm, doanh nghiệp nhiều nước khác sẽ làm. Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh để làm logistics, vì vậy để có doanh nghiệp mạnh, phải có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước," Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng gợi ý hội nghị tập trung thảo luận về thể chế chính sách hiện nay về logistics; hạ tầng và kết nối hạ tầng phát triển logistics, việc kết nối hạ tầng giao thông; những giải pháp cần để phát triển cân bằng các loại hình vận tải, giải quyết tình trạng đường bộ chiếm tới 80% thị phần như hiện nay; vấn đề phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics, những vấn đề về tính kết nối, chia sẻ của doanh nghiệp cùng hoạt động chưa có sự hợp lý.
Được biết, tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ mở rộng đầu tư hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển; tập trung phát triển năng lực vận tải hàng hoá xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa quốc tế, vận tải tuyến ven biển Bắc-Nam, vận chuyển hàng hoá và hành khách từ đất liền ra các đảo xa bờ; kết nối tốt đường sắt với các hệ thống đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông đồng thời rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics; xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp./.