Thủ tướng: Chi phí logistics cao có nhấn chìm "con tàu kinh doanh"?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.
Thủ tướng: Chi phí logistics cao có nhấn chìm "con tàu kinh doanh"? ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh : Hoàng Hải/TTXVN)

Hàng loạt những tồn tại, yếu kém của hoạt động logistics mà đặc biệt là gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

Do đó, Thủ tướng cho rằng, nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

Rào cản và gánh nặng chi phí với doanh nghiệp

Tại Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông được tổ chức vào sáng nay (16/4) ở Hà Nội, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics cho biết hiện nay, nước ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp chuyên về cung cấp dịch vụ chuỗi logistics, chiếm bình quân 16,8%.

Ông Hiệp cũng chỉ ra nguyên nhân chi phí logistics cao là do các loại chi phí vận tải, phụ phí tại cảng biển, hạn chế về kết cấu hạ tầng, chi phí sử dụng, chi phí thông quan. Do đó, vị này đề xuất giảm thời gian thông quan hàng hóa.

[Thủ tướng: Chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh nền kinh tế]

Thừa nhận logistics là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giảm chi phí trong vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chi phí logistics cao chưa chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của chủ thể hay cơ quan quản lý Nhà nước.

“Đơn cử, tại sao 90% đầu tư vào hạ tầng lại đổ vào đường bộ, trong khi chi phí đắt nhất, phân bổ nguồn lực vào chỗ hiệu quả kém nhất, nguyên nhân và trách nhiệm do đâu? Một cảng sông và đường bộ cách nhau 500m hay 1km nhưng không kết nối được với nhau,” ông Cung bày tỏ lo ngại.

Theo ông Cung, trong vận tải và logistics rất nhiều điều kiện kinh doanh và việc bỏ những điều kiện vô lý, bất hợp lý trong lĩnh vực này không đơn giản mặc dù Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, tính kết nối hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt.

“Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm," Thứ trưởng Công cho hay.

[Chờ đợi gì ở Kế hoạch hành động đầu tiên của ngành logistic Việt Nam]

Để giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, các giải pháp Bộ Giao thông Vận tải đề ra là ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa chủ phương tiện và chủ hàng nhằm hạn chế chạy xe rỗng trên cơ sở các sàn giao dịch vận tải; kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn; xây dựng các trung tâm đầu mối hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại cho các đầu mối vận chuyển hàng hóa...

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động logistics phát triển, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh nhằm bãi bỏ những điều kiện có tính áp đặt về quy mô, cản trở các chủ thể kinh doanh ra nhập thị trường; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp hành chính vào vấn đề do thị thị trưởng điều chỉnh đồng thời cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực đáp ứng sự phát triển.

Lời giải bài toán tổng thể logistics

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm, khái niệm logistics không phải mới nhưng ít người hiểu một cách đầy đủ, đó là chỉ tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu đường bộ. Có tình trạng, theo Thủ tướng, “xe của anh vận tải hàng hóa thì có đến 40-50% xe quay về mà không chở hàng, làm sao chi phí lại không cao.”

Nhấn mạnh phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...

Cho rằng khái niệm này rất rộng, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần nắm rõ, đặc biệt ngành giao thông vận tải và công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”.

Thủ tướng: Chi phí logistics cao có nhấn chìm "con tàu kinh doanh"? ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc về logistics. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Dẫn câu nói của một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ mà chân dung của ông được in trên tờ tiền được sử dụng phổ biến nhất là đồng 100USD - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

[Vì sao chi phí logistics của Việt Nam lại ở mức cao?]

Đưa ra các giải pháp, theo Thủ tướng, trước tiên là về thể chế, chính sách, cần thảo luận làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào?

Về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics hiện nay vẫn chưa được đồng bộ, người đứng đầu Chính phủ đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Vậy cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào? Làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa (hệ thống bến cảng, sân bay...) phát huy được tiềm năng và lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư. Cần làm gì để nâng cao hiệu quả liên kết của các chủ đầu tư, các công trình trên cùng một khu vực?”

Cho rằng yếu kém trong kết nối các loại hình vận tải là một tồn tại ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp nhưng thị phần còn thấp (đường biển 4,7%, đường thủy nội địa 17,7%, đường sắt 0,39%), còn vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%.

“Chúng ta có mấy đồng bạc làm đường này, đường kia, anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy thì đường nào chịu nổi, nếu không chuyển phương thức. Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, sản xuất thiết bị máy móc mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như này không giảm xuống thì nền kinh tế không thể cạnh tranh,” Thủ tướng lưu ý./.

Bất cập chung trong quy hoạch cảng biển. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục