Thủ tướng chỉ đạo Vinatex cần cổ phần hóa, thoái vốn sâu

Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Vinatex tháo gỡ 6 vấn đề, trong đó đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn sâu.
Thủ tướng chỉ đạo Vinatex cần cổ phần hóa, thoái vốn sâu ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Sáng 20/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Tại buổi kiểm tra, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Vinatex tháo gỡ 6 vấn đề về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án; tư nhân hóa, cổ phần hóa doanh nghiệp; tạo chuỗi giá trị cao hơn và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để không những đạt mục tiêu tăng trưởng trước mắt mà còn có ý nghĩa ổn định lâu dài và phát triển Tập đoàn trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư của 41 dự án (gồm 9 dự án sợi, 9 dự án dệt, 17 dự án may và 6 nâng cấp sửa chữa), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để các dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, thất thoát vốn. Ngành dệt may đang làm tốt hai khâu, là khâu đầu (khâu dệt) và khâu cuối (khâu may), nhưng đang rất nghẽn ở chỗ là phụ trợ cho ngành may không tốt, nhuộm khó khăn, cây kim, sợi chỉ cũng phải nhập khẩu. Bộ trưởng đặt vấn đề nội địa hóa thế nào, làm sao thay đổi cách tiếp cận vấn đề.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề tư nhân hóa, cổ phần hóa doanh nghiệp ngành dệt may, dẫn chứng kinh nghiệm từ các doanh nghiệp như May Nhà Bè, May Việt Tiến… mà không cổ phần hóa sâu thì không có bước phát triển như vừa qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra một dẫn chứng thuyết phục rằng hàng dệt may Việt Nam đã chinh phục những thị trường rất khó tính, quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

“Vừa rồi Thủ tướng đi Mỹ, vào gian hàng của Ivanka Trump, con gái Tổng thống, rất mừng khi thấy quần áo Made in Việt Nam,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Song, ông cũng lưu ý với các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, ASEAN… mà không có hướng tiếp cận, đổi mới nhanh, linh hoạt, mau lẹ, không tiếp tục cổ phần hóa, tư nhân hóa thì không đáp ứng được yêu cầu thị trường.


[Đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam]

Từ đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng: "Vinatex cần cổ phần hóa sâu, thoái vốn sâu với những doanh nghiệp thành viên mà Tập đoàn không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc cổ phần hóa, tư nhân hóa, lấy vốn tập trung cho các lĩnh vực khác, tạo điều kiện cho giám đốc doanh nghiệp thành viên trong quyết định nhân sự; ứng dụng công nghệ cao, thiết bị công nghệ tiên tiến, chủ động liên kết với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nguyên liệu, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao hơn, hưởng lợi tốt hơn trong chuỗi giá trị dệt may, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để thay thế việc nhập khẩu hàng nước ngoài. Cho đầu vào, giữ chân ra thì sao làm được."

"Tinh thần là không chờ đợi, phụ thuộc vào việc quản lý vốn nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Kinh nghiệm của các doanh nghiệp cổ phần hóa trước là làm nhanh cổ phần hóa, nếu không làm nhanh là không thể cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI được," Bộ trưởng nêu quan điểm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh đến yêu cầu của Thủ tướng là Vinatex phải quan tâm đến công nghệ, tiếp cận nhanh nhất với công nghệ thiết bị hiện đại nhất. Đưa ra một thực tế 1 cân vải cả phòng vào kiểm tra 3 lần, đi qua nhiều khâu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Công Thương xem lại tất cả những hạng mục hàng hóa liên quan đến bộ kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, tránh tình trạng bộ máy quản lý cồng kềnh, lương quản lý cao, lương công nhân thấp, nhà máy may đưa vào khu công nghiệp thì luôn bị chảy máu nhân lực.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo Chủ tịch Tập đoàn Vinatex Trần Quang Nghị, doanh nghiệp trong nước không dám đẩy nhanh phân khúc nguyên liệu vì chi phí dệt nhuộm suất đầu tư rất cao. “Chúng ta phải nhìn nhận một sự thật rất sự thật là chúng ta ở cạnh một ông cường quốc dệt may khổng lồ. Không hình dung được sức phát triển liên tục cũng sự chăm sóc của cả hệ thống quốc gia cho ngành dệt may Trung Quốc. Riêng phần trợ giá cho xuất khẩu mình đã thua rồi, 15%, đây là bất lợi rất lớn cho cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Chưa kể quy mô sản xuất của họ là một đại công xưởng, giúp cho các doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc có chi phí sản xuất thấp hơn chúng ta,” Chủ tịch Tập đoàn bày tỏ.

Phân tích về vấn đề này, ông Nghị cho biết, Việt Nam đang phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt trong sản xuất dệt may. Doanh nghiệp FDI lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước bởi họ kết nối cả một chuỗi, lại sẵn về thị trường.

Chủ tịch Tập đoàn Vinatex chỉ ra một thực tế rằng các doanh nghiệp lớn đặt hàng tại Việt Nam nhưng lại chỉ định vải của Trung Quốc vì “buôn có bạn, bán có phường,” họ có quan hệ gắn bó lâu dài và có lợi thế về giá. “Chúng tôi đặt vấn đề với họ là chúng ta may cho họ và lấy vải của Việt Nam. Họ nói nếu lấy vải của ông thì quy mô sản xuất của ông nhỏ, khi đơn hàng của họ bùng nổ lên, cần lượng vải lớn thì không đáp ứng được. Cho dù chất lượng và chấp nhận giá bằng Trung Quốc, thậm chí rẻ hơn”, ông Nghị chia sẻ cùng với lời thừa nhận khi có đơn hàng, doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng được, đó là những rủi ro mà họ không chấp nhận. Toàn cảnh ngành dệt may Việt Nam phải đương đầu với những chuyện như vậy.

Theo ông Nghị, một hy vọng cứu cánh để có thể cân đối được đầu vào và thuế cho ngành dệt may của Việt Nam với thế giới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không còn, giờ phải tiếp tục khai thác, sử dụng Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) nhưng cũng rất hạn chế. Khả năng khai thác, cạnh tranh với thị trường FTA không dễ dàng, trong khi thị trường châu Âu sụt giảm nghiêm trọng, Nga, Belarus thì xa xôi, Nhật là thị trường bền vững, gắn bó nhưng rất khó tính, Mỹ dễ tính, có thể bùng nổ về số lượng, nhưng lại bị bảo hộ.

“Đây là những khó khăn của dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Ta đang thiếu đủ thứ, thiếu vốn, vốn rất đắt (vốn Việt Nam cao nhất khu vực). Đôla Mỹ - uy tín lắm thì vay được 40%, nhưng lại lãi suất kép vì có rủi ro về tỷ giá. Nên những dự án quy mô lớn thì vốn đầu tư rất lớn,” ông Nghị nói.

Ông Nghị cho biết, điểm nghẽn của nguyên liệu hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cạnh tranh và thị trường. Dù khó khăn nhưng Vinatex vẫn tìm kiếm những thị trường ngách, những lợi thế trong xâu chuỗi hệ thống để đầu tư. Vinatex tận dụng cơ chế, chính sách để có động lực tốt cho doanh nghiệp, nhất là trong cổ phần hóa. Với doanh nghiệp cổ phần hóa sâu, phát triển rất tốt, bám thị trường, đeo bám chăm sóc khách hàng, quản trị sản xuất, tinh giản biên chế, nhưng với những doanh nghiệp cổ phần hóa cạn, nhà nước nắm giữ 80% vốn thì làm vừa phải, làm theo nhiệm kỳ.

Ba điều kiện để phát triển dệt may là thị trường, nhân lực, hạ tầng đều rất khó, vướng nhiều chuyện. Các yếu tố liên quan khác như chi phí vận chuyển cao nhất khu vực, cạnh tranh lao động với các doanh nghiệp FDI... là rất khó. Ông Nghị kiến nghị về lâu dài, Chính phủ nên có nghiên cứu về sự phát triển bền vững của Vinatex, trong đó có bài toán về động lực. Tuyển nhân tài từ nước ngoài về hay ngoài xã hội thì đòi hỏi phải có chế độ đãi ngộ khác, trong khi khung đãi ngộ của Vinatex cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khác. Muốn tuyển một nhân lực tài giỏi, không thể dưới 3000-5000USD, cao hơn lương Chủ tịch Tập đoàn hiện nay (hơn 30 triệu đồng/tháng).

Ông cũng Chính phủ cho Vinatex biết thời điểm thoái vốn để mời chào các cổ đông chiến lược khác bởi vốn hiện có của Vinatex là 5.000 tỷ đồng, không đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển... /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục