Thủ tướng chỉ đạo việc vay vốn làm đường sắt đô thị Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục một số dự án, trong đó có Thỏa ước vay cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội và dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng.
Thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục các dự án: xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng; thỏa ước vay cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối phát triển liên vùng; hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm khai thác thế mạnh về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của tỉnh Lạng Sơn, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông vận chuyển hàng hóa.

Dự án xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 43 km đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 80 theo tiêu chuẩn Việt Nam. Dự án được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019.

Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản dự án. Tổng mức đầu tư dự án là 387,924 triệu USD (tương đương 8.744 tỷ đồng), trong đó, vốn vay ADB 385,584 triệu USD, gồm: 356,716 triệu USD từ nguồn vốn thông thường (OCR), 28,868 triệu USD từ nguồn Quỹ Phát triển châu Á (ADF), vốn đối ứng 2,34 triệu USD.

Về thỏa ước vay cho Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa ước vay nêu trên với đại diện có thẩm quyền của Ngân hàng Natixis; giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục ủy quyền cho việc ký Thỏa ước trên theo quy định hiện hành; giao Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cho vay lại Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với điều kiện cho vay lại được chuyển ngang từ điều kiện vay Chính phủ Pháp. Cụ thể, trị giá cho vay lại là 85 triệu euro; đồng tiền cho vay lại là đồng euro; lãi suất cho vay lại bằng lãi suất vay nước ngoài 0,17%/năm; thời gian cho vay lại 20 năm gồm 6 năm ân hạn tính từ ngày cuối cùng của quý phát sinh lần rút vốn đầu tiên.

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái vay vốn Quỹ Phát triển Saudi Arabia với mục tiêu kết nối phát triển liên vùng giữa các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang.

Dự án còn đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu vực nông thôn miền núi, từ đó giúp tăng cường các cơ hội sinh kế và giảm nghèo bền vững thông qua việc cải thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các cơ hội sản xuất, thu nhập, việc làm và thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân nghèo nông thôn và các nhóm dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn; tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Cụ thể, dự án sẽ xây dựng khoảng 52,57 km đường giao thông liên huyện miền núi Lục Yên và Văn Yên kèm hệ thống thoát nước, các công trình phòng hộ và hệ thống an toàn giao thông. Dự án thực hiện trong 4 năm với tổng mức đầu tư 41,065 triệu USD.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại. Dự án trên được thực hiện trong 2 năm với tổng kinh phí 780.000 USD.

Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ các cơ quan chủ quản xây dựng các tài liệu, văn kiện dự án theo quy định của Chính phủ Việt Nam và ADB cho Dự án đầu tư hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục