Thủ tướng chỉ đạo về phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sự ổn định của kinh tế vĩ mô có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Thủ tướng chỉ đạo về phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Chiều 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý Một năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sự ổn định của kinh tế vĩ mô có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Chính phủ xác định rõ, tình hình kinh tế vĩ mô phải được thường xuyên đánh giá để chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong điều kiện chúng ta thực hiện quy chế kinh tế thị trường ngày càng đầy đủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những nhận định, dự báo tình hình đã đưa ra thời gian qua là đúng, nền kinh tế dần phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn và với sự tăng trưởng GDP trong quý Một ước tăng 6,03% đã chứng minh điều này; đặc biệt sản xuất công nghiệp tăng khá mạnh; lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ cũng đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; công tác an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm;…

Từ những kết quả đạt được, lòng tin của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ngày càng được củng cố và tăng cường.

Thủ tướng chỉ đạo về phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô ảnh 2Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, từ thực hiện nhiệm vụ trong quý Một năm 2015, chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định có thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hôi đã đề ra cho năm 2015, trong đó có mục tiêu tăng trưởng đạt 6,2%; xuất khẩu tăng 10%; kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định về tỷ giá;…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt, hiệu quả; chủ động trong đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển.

Trước hết phải phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%; xuất khẩu tăng 10%, làm rõ nguyên nhân tại sao một số mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm , đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập khẩu; tiếp tục giữ vũng ổn định về tỷ giá; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành, đảm ổn định kinh tế vĩ mô; …

Cùng với đó, các bộ ngành chức năng tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối phát phát triển nông nghiệp, công nghiệp; giữ vững đà tăng trưởng của công nghiệp. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Tại cuộc họp, từ dự báo, phân tích, đánh giá tình hình, lãnh đạo các Bộ, ngành đã thảo luận và đề ra nhiều giải pháp phối hợp trong điều hành xuất nhập khẩu và giảm nhập siêu; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy đầu tư phát triển.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô quý Một năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định và tốt hơn; tốc độ tăng trưởng phục hồi tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; tín dụng tăng trưởng dương; thu ngân sách đảm bảo tiến độ so với dự toán mặc dù chịu tác động tiêu cực của giá dầu giảm trên thị trường thế giới...

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý Một ước tăng 6,03%, cao hơn mức tăng 5,06% cùng kỳ năm 2014; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm năm 2014; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 9,1% so với quý I/2014, cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 8,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng khoảng 6,9%;…

Theo dự báo, tình hình kinh tế vĩ mô quý Hai và cả năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định; lạm phát được duy trì ở mức thấp; tăng trưởng GDP quý Hai được dự báo cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, thời gian tới vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu; giá dầu thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục