Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 sẽ được thực hiện trong 30 ngày, từ 1/7-30/7/2016 trên phạm vi cả nước.
Cuộc Tổng điều tra này nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn phục vụ việc đánh giá và xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 sẽ gồm ba nội dung:
Thứ nhất, thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản. Ở nội dung này, sẽ điều tra số lượng đơn vị sản xuất; số lao động và cơ cấu lao động; quy mô sản xuất; tình hình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; năng lực sản xuất; tiếp cận thông tin của các đơn vị sản xuất; đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại; tác động của sản xuất nông nghiệp tới môi trường...
Thứ hai, thông tin về nông thôn. Cụ thể, sẽ điều tra thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; vệ sinh môi trường nông thôn; thông tin phản ánh một số nội dung trong kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, thông tin về cư dân nông thôn, sẽ điều tra điều kiện sống của cư dân nông thôn; tích luỹ và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vai trò phụ nữ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Số liệu điều tra sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 12/2016. Kết quả chính thức công bố vào quý 3/2017.
Ban chỉ đạo Tổng điều tra được thành lập ở Trung ương và ở địa phương. Ở Trung ương, Ban chỉ đạo Tổng điều tra được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền phê duyệt phương án Tổng điều tra; tổ chức điều tra thí điểm để hoàn thiện về nghiệp vụ và công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra; tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra theo đúng phương án, kế hoạch và nội dung Tổng điều tra.
Tại địa phương sẽ thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra ở ba cấp tỉnh, huyện và xã để tổ chức và chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra tại địa phương mình.
Đối với các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã; các phường và thị trấn, chỉ thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra đối với những đơn vị có tỷ lệ hộ tham gia hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản chiếm trên 30% tổng số hộ trên địa bàn của từng đơn vị. Các quận, thành phố trực thuộc tỉnh, phường và thị trấn không thành lập Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thành phố, thị xã; phường, thị trấn sẽ trực tiếp chỉ đạo; Chi Cục thống kê, công chức Văn phòng-Thống kê làm nhiệm vụ thường trực./.