Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu, thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng trong các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đấu thầu, góp phần tích cực trong việc sử dụng hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là các đơn vị có dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp và có nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện, tiến hành rà soát, kiểm điểm những tồn tại trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký hợp đồng đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian vừa qua và đề ra những giải pháp khắc phục triệt để.
Các đơn vị nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ.
Nâng cao công tác quản lý đấu thầu
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với các gói thầu chưa phát hành hồ sơ mời thầu, nội dung hồ sơ mời thầu phải phù hợp với quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã ký với nhà tài trợ; tuân thủ đầy đủ quy định về trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung trong đấu thầu theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam.
Đồng thời đưa tiêu chuẩn đánh giá chi tiết phù hợp với yêu cầu của gói thầu vào hồ sơ mời thầu để tạo sự minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng đầy đủ về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm và có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Đối với các gói thầu đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng, Chủ dự án phải đảm bảo tiến độ, nguồn vốn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trước khi ký hợp đồng.
Trường hợp cấp bách cần thực hiện ngay mà chưa đảm bảo tiến độ trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng như dự kiến trong hợp đồng thì chủ dự án phải đề xuất phương án xử lý trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chủ dự án cần xác định rõ các cơ chế tài chính trong hợp đồng để ràng buộc nhà thầu phải bảo đảm theo yêu cầu tiến độ, chất lượng của công trình, đồng thời kiểm soát chi phí trong tổng mức đầu tư. Trong quá trình thương thảo hợp đồng, phải rà soát tổng giá trị hợp đồng, không đưa các chi phí gián tiếp thuộc các hạng mục khác không có nguồn vốn thanh toán của dự án vào hợp đồng.
Chủ dự án cũng cần dự báo đối với rủi ro về tỷ giá trong trường hợp nhà thầu chào các chi phí liên quan đến việc thực hiện gói thầu bằng đồng tiền ngoại tệ, đặc biệt không cùng loại với đồng tiền thanh toán của nhà tài trợ.
Trong hợp đồng phải ghi rõ nguồn chỉ số giá, phương pháp, cách thức tính giá trị tương đương, tỷ giá quy đổi. Có biện pháp kiểm soát rủi ro liên quan đến sự biến động của tỷ giá ngoại tệ trong hợp đồng.
Đồng thời quy định rõ công thức tính trượt giá đối với hàng hóa mua trong nước, hàng hóa mua từ nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật đối với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; nêu rõ cách thức xử lý trong trường hợp có những phát sinh do trượt giá mà chưa có công thức tính.
Chủ dự án phải báo cáo cấp có thẩm quyền để có giải pháp cụ thể, bao gồm cả việc thuê tư vấn pháp lý trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng (nếu cần thiết) để tránh tình trạng tranh chấp hợp đồng.
Trong quá trình đàm phán hợp đồng, nếu nhà thầu có đề xuất khác so với hồ sơ mời thầu, cần xem xét tính hợp lý để đưa ra quyết định nhưng phải bảo đảm về chất lượng, tiến độ và giá cả theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với các gói thầu đang thực hiện hợp đồng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường giám sát, bảo đảm thực hiện hợp đồng theo đúng kế hoạch, tiến độ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và trong hợp đồng đã ký kết; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức rà soát các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng như trong thỏa thuận hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý kịp thời.
Thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm hợp đồng đối với các hành vi chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng vật tư, thiết bị, công trình...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phân cấp rõ trách nhiệm giữa Chủ dự án và Ban quản lý dự án theo đúng quy định hiện hành. Trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ, Ban quản lý dự án có thể đại diện Chủ dự án để thực hiện một số công việc của Chủ dự án nhưng phải có giấy ủy quyền của Chủ dự án hoặc phải có văn bản quy định phân cấp cho Ban quản lý dự án thực hiện các công việc cụ thể.
Tăng cường năng lực Ban quản lý dự án
Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý đấu thầu và thực hiện hợp đồng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường năng lực của các Ban quản lý dự án. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tiến hành đánh giá năng lực của các Chủ dự án, Ban quản lý dự án để chấn chỉnh ngay việc phân cấp trong đấu thầu bảo đảm theo đúng quy định.
Chủ dự án khi thành lập Ban quản lý dự án phải tính đến việc sử dụng các Ban quản lý dự án hiện có, có đủ năng lực hoặc Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện dự án và quản lý hợp đồng, phải xây dựng tiêu chí cho từng vị trí trong Ban quản lý dự án nhằm hình thành các Ban quản lý dự án chuyên nghiệp, đủ trình độ và kỹ năng về quản lý dự án; nghiên cứu và thực hiện việc phân cấp trách nhiệm cho các Ban quản lý dự án nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ dự án rà soát đội ngũ cán bộ Ban quản lý dự án để tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên môn về đấu thầu và quản lý dự án, bảo đảm tuân thủ yêu cầu chuyên môn của Chủ dự án, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu và các cá nhân theo quy định đồng thời nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cá nhân./.