Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong thông cáo chung ngày 22/11 hứa hẹn sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các nước nghèo bị đại dịch COVID-19 tàn phá, bao gồm việc cung cấp vắcxin cho tất cả người dân.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, trong khi 10 tỷ USD đã được đầu tư vào các nỗ lực phát triển vắcxin, chẩn đoán và điều trị, vẫn cần thêm 28 tỷ USD nữa để sản xuất hàng loạt, mua sắm và phân phối vắcxin phòng COVID-19 trên khắp thế giới.
Ông Guterres kêu gọi thêm các thành viên thuộc G20 tham gia COVAX, một sáng kiến quốc tế nhằm phân phối vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước trên toàn thế giới. Mỹ hiện không tham gia sáng kiến này.
[Saudi Arabia trao lại chức chủ tịch luân phiên G20 cho Italy]
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này của G20, Thủ tướng Trudeau lưu ý tầm quan trọng của việc đặt con người vào trọng tâm của các nỗ lực phục hồi.
Từ kiến tạo việc làm mới đến xây dựng tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả người dân, “chúng ta phải nỗ lực để kiến thiết lại các xã hội an toàn hơn, công bằng hơn và bền vững hơn,” Thủ tướng Trudeau nói.
Thủ tướng Trudeau cũng đề cao tầm quan trọng của thương mại dựa trên quy tắc có thể dự đoán, bao trùm, bền vững và minh bạch, đối với các nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Trudeau tham gia Hội nghị thượng đỉnh với hy vọng thúc đẩy các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng của việc giữ biên giới mở cửa đối với hoạt động thương mại, cũng như sự cần thiết phải đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.
Các nhà lãnh đạo G20 cho rằng trong khi hoạt động kinh tế toàn cầu đã được vực dậy phần nào nhờ một số nền kinh tế dần mở cửa trở lại, nhưng sự phục hồi không đồng đều, nhiều bất ổn và có nguy cơ đi xuống.
G20 khẳng định cam kết trong trường hợp cần thiết sẽ sử dụng “tất cả các công cụ chính sách hiện có” để bảo vệ cuộc sống, việc làm và thu nhập của người dân.
Thông cáo của G20 cũng nói lên tầm quan trọng của việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đối với bất kỳ sự phục hồi nào sau đại dịch, nhưng không giải quyết các mối quan ngại về các hạn chế kiểu Buy America (Mua hàng Mỹ) - một chính sách có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức cạnh tranh của các công ty Canada trên thị trường Mỹ và các nơi khác./.