Thủ tướng Cameron: Vị thế của Anh sẽ mạnh hơn nếu ở lại EU

Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng ảnh hưởng của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ mạnh hơn nếu cử tri bỏ phiếu ủng hộ nước này ở lại trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới.
Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 12/6 cho rằng ảnh hưởng của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ mạnh hơn nếu cử tri bỏ phiếu ủng hộ nước này ở lại trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tới.

Nhận định trên của ông Cameron được đưa ra vào thời điểm các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy người dân Anh vẫn chia rẽ về quyết định liệu Anh nên "ra đi" hay "ở lại" EU.

Trả lời phỏng vấn trên Tổ hợp truyền thông BBC, Thủ tướng Cameron đã nhấn mạnh những lợi ích rõ ràng nếu Anh ở lại EU, theo đó cho rằng nếu "người dân Anh thức dậy vào sáng 24/6 (một ngày sau cuộc trưng cầu ý dân) mà Anh vẫn là thành viên EU, thì vị thế của Anh trong khối sẽ mạnh mẽ hơn."

Ông Cameron cũng khẳng định cuộc trưng cầu ý dân sắp diễn ra là một quyết định có ảnh hưởng sâu xa tới chính trị, kinh tế, thương mại tại Anh và nhiều tác động hơn thế.

Nếu Brexit (tức Anh rời khỏi EU) xảy ra, các khoản tiền trợ cấp và chi phi cho dịch vụ y tế quốc gia tại Anh sẽ bị cắt giảm đáng kể, đồng thời nước này sẽ phải đối mặt với "một thập kỷ bất ổn định" để thiết lập mối quan hệ mới với EU.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất chưa đầy hai tuần trước khi vấn đề này được đưa ra trưng cầu dân ý, hơn 50% cử tri Anh ủng hộ Brexit.

Cuộc thăm dò do trang mạng Independent công bố hôm 10/6 cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ Brexit dẫn trước 10 điểm so vói tỷ lệ phản đối, lần lượt là 55% so với 45%. Đây là mức dẫn điểm lớn nhất của phe ủng hộ Brexit kể từ khi tờ Independent tiến hành thăm dò một năm trước.

Cùng ngày, đề cập tới kịch bản Brexit, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cũng cảnh báo Anh có thể đối mặt với 7 năm đình đốn để thương lượng về một mối quan hệ mới nếu cử tri nước này bỏ phiếu chọn rời khỏi EU vào ngày 23/6 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ông Donald khẳng định một thỏa thuận mới với EU sẽ không sớm có được nếu Brexit xảy ra. Cụ thể, bất cứ nước nào muốn rời khỏi EU sẽ được giải quyết theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, theo đó sẽ có 2 năm đàm phán về các điều khoản rời đi với các nước thành viên EU còn lại.

Các cuộc đàm phán sẽ bao hàm các vấn đề về thuế mà EU sẽ áp dụng đối với hàng hóa Anh và những hạn chế áp đặt đối với điều khoản cho phép đi lại tự do giữa các thành viên trong khối.

Theo Chủ tịch Tusk, cho dù các cuộc đàm phán có thể hoàn tất trong 2 năm thì việc phê chuẩn tư cách mới của Anh có thể mất nhiều thời gian hơn nữa.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đức Bild số ra ngày 13/6, ông Tusk nêu rõ trong trường hợp Anh muốn rời khỏi EU, 27 nước thành viên còn lại cùng Nghị viện châu Âu sẽ phải thông qua kết quả tổng thể. Quá trình này có thể kéo dài ít nhất 5 năm và không có gì đảm bảo sẽ thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục