Thủ tướng Australia xin lỗi vụ buộc phụ nữ bỏ con

Thủ tướng Australia ngày 21/3 đã lên tiếng xin lỗi các phụ nữ sinh con ngoài giá thú bị ép phải cho con trong giai đoạn 1950-1970.
Thủ tướng Australia ngày 21/3 đã chính thức lên tiếng xin lỗi về việc hàng chục ngàn phụ nữ sinh con ngoài giá thú bị ép buộc phải gửi con vào trại mồ côi hoặc đem cho người khác làm con nuôi trong giai đoạn 1950-1970.

Theo Thủ tướng Gillard, hoạt động cưỡng ép này đã "tạo nên một di sản đầy khổ đau kéo dài suốt cả đời."

"Chúng tôi xin lỗi các bà mẹ đã bị phản bội bởi một hệ thống đã không cho các bà sự lựa chọn và còn khiến các bà bị điều khiển, ngược đãi và lạm dụng. Chúng tôi nói lời xin lỗi tới các bà mẹ đã không được cho biết quyền lợi của họ... Người ta đã mang tới cho các bà những sự đảm bảo giả dối. Các bà đã bị buộc phải chịu áp bức và sự tàn bạo của các hoạt động phi đạo đức, bất lương và trong nhiều trường hợp là phi pháp" - bà Gillard nói trong một tuyên bố chính thức.

Quyết định đưa ra lời xin lỗi được đưa ra sau khi một cuộc điều tra của Thượng viện Australia cho thấy đã có hơn 225.000 đứa trẻ đã bị lấy đi từ vòng tay người mẹ từ chính sách do các nhóm tôn giáo bảo thủ phát động trong giai đoạn hậu chiến.

Hàng loạt các bà mẹ và những đứa con nạn nhân đã cung cấp chứng cứ trong cuộc điều tra nhằm vào hoạt động cưỡng ép bắt trẻ sơ sinh từ các bà mẹ không chồng trong giai đoạn 1951-1975 ở Australia, khi đó vẫn là quốc gia bảo thủ và có người Công giáo chiếm đa số.

Do định kiến xã hội gắn với những người phụ nữ không chồng khi đó, các cô gái trẻ mang bầu thường phải về ở với người thân hoặc ở trong các khu nhà đặc biệt do nhà thờ hoặc các tổ chức tôn giáo khác điều hành.

Từ trước khi sinh con, các bà mẹ đã bị buộc phải ký giấy cho con đi làm con nuôi. Cuộc điều tra thấy rằng các bà mẹ đã bị gây sức ép để buộc phải đồng ý. Đôi khi người ta còn làm giả chữ ký của họ và việc cho con đi làm con nuôi là gần như không thể tránh khỏi với nhóm đối tượng này.

Những người phụ nữ sau đó đã vô cùng vất vả trong việc đoàn tụ với con đẻ của họ. Trong nhiều trường hợp, những đứa con nuôi đã được cấp giấy khai sinh theo tên của cha mẹ nuôi, bởi chính quyền khi đó tin rằng việc "tẩy sạch" thông tin sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan./.

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục