Thủ tướng Áo kêu gọi Nhật Bản tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân

Theo hãng tin Kyodo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã kêu gọi Nhật Bản và các nước khác chưa ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của các nước ký hiệp ước.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã kêu gọi Nhật Bản và các quốc gia không tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của LHQ đóng vai trò quan sát viên. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng tin Kyodo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã kêu gọi Nhật Bản và các nước khác chưa ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc tham dự cuộc họp đầu tiên của các nước ký hiệp ước. 

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sẽ có hiệu lực từ ngày 22/1.

Trả lời phỏng vấn của Kyodo, Thủ tướng Kurz cho biết: "Đây là một cột mốc lịch sử, và là một bước đi mà nhiều người chỉ trích vũ khí hạt nhân cũng như những nạn nhân sống sót sau các vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã đấu tranh trong hơn 70 năm để có được."

Thủ tướng Áo cũng khẳng định "tất cả các nước, cũng như các tổ chức quốc tế liên quan và các tổ chức xã hội dân sự, đều được hoan nghênh tham dự với tư cách là các quan sát viên trong cuộc gặp đầu tiên của các nước ký kết Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, dự kiến được tổ chức tại Vienna (Áo) trong vòng một năm kể từ khi hiệp ước chính thức có hiệu lực."

Tuy nhiên, theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dường như không hào hứng với việc nước này tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên. Mặc dù đảng Komeito đồng minh của đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền đã kêu gọi tham dự cuộc họp trên, song tại một cuộc họp báo đầu tháng này, Thủ tướng Suga cho rằng Nhật Bản "cần xác định kỹ" liệu có nên tham dự hay không.

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 7/7/2017 với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên cấm việc phát triển, thử nghiệm, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân. Áo là nước đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy việc thông qua hiệp ước này.

[EU tuyên bố "tăng gấp đôi nỗ lực" để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran]

Theo quy định, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân chính thức có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 24/10, Honduras đã trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, qua đó hội đủ điều kiện cần thiết để hiệp ước này có hiệu lực sau 90 ngày (vào 22/1/2021). Tuy nhiên, Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân chỉ ràng buộc những quốc gia đã chính thức ký và phê chuẩn, trong khi chưa có cường quốc hạt nhân nào phê chuẩn hiệp ước.

Cho đến nay, toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, chưa tham gia hiệp ước này. Đáng chú ý, Nhật Bản - quốc gia duy nhất trên thế giới từng hứng chịu bom nguyên tử - cũng không ký kết Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục