Thủ tướng Anh xin lỗi các lãnh đạo Caribe về xử lý vấn đề nhập cư

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 17/4 đã lên tiếng xin lỗi lãnh đạo các nước vùng Caribe liên quan đến việc trục xuất một số người vùng Caribe đến Anh sống từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Thủ tướng Anh xin lỗi các lãnh đạo Caribe về xử lý vấn đề nhập cư ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: PA)

Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 17/4 đã lên tiếng xin lỗi lãnh đạo các nước vùng Caribe liên quan đến việc trục xuất một số người vùng Caribe đến Anh sống từ những năm 70 của thế kỷ trước và con cái những người này.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt với lãnh đạo 12 nước vùng Caribe tại Văn phòng Thủ tướng, bà May đã " hết sức xin lỗi" về những lo lắng mà Bộ Nội vụ Anh đã gây ảnh hưởng đến 50.000 người Anh gốc Caribe khi yêu cầu họ trưng ra những giấy tờ chứng minh họ có quyền sống tại Anh.

Bà May cho biết vấn đề gây tranh cãi đã xảy ra khi Anh đưa ra một số quy định mới dưới thời bà làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, những quy định này nhằm đảm bảo chỉ những người nào cư trú hợp pháp ở Anh mới được sử dụng hệ thống phúc lợi xã hội và y tế công của Anh.

Những quy định này đã khiến một số người từ các nước thuộc khối Thịnh vượng chung, dù không phải lỗi của họ, đã vấp phải khó khăn khi phải trình ra những giấy tờ mà Bộ Nội vụ Anh yêu cầu nộp.

Mặc dù những người này đã sống, làm việc và đóng thuế tại Anh trong nhiều năm qua, nhưng do họ không đưa ra được giấy tờ chứng thực cho phép họ sinh sống tại Anh nên một số đã bị trục xuất và nhiều người khác có nguy cơ sẽ bị trục xuất.

Tại cuộc họp, Thủ tướng May cam kết Chính phủ Anh sẽ giúp những người này khắc phục giấy tờ để họ có có thể tiếp tục cư trú vĩnh viễn và được hưởng mọi phúc lợi xã hội và y tế.

Bà May nói Chính phủ Anh "đánh giá cao" những đóng góp của người thuộc khối Thịnh vượng chung cho xã hội, đồng thời khẳng định những người này có quyền sinh sống tiếp tục tại Anh.

Những người thuộc khối Thịnh vượng chung đến Anh theo làn sóng nhập cư những năm 1970 được gọi chung là thế hệ Windrush, lấy theo tên con tàu đầu tiên đưa họ đến Anh, đến nay đã gần 50 năm, con cái họ sinh ra lớn lên tại Anh, nhưng nhiều người trong số họ không có giấy tờ xác nhận họ có quyền hợp pháp sống tại Anh do vậy con cái những người này cũng bị coi là sống bất hợp pháp tại Anh cho dù họ sinh ra lớn lên và đi làm đóng thuế tại Anh trong nhiều năm qua.

Nghị sỹ David Lammy thuộc Công đảng - người đã giúp đưa vấn đề này ra đấu tranh, cho biết năm 2015 đã có 12.056 trường hợp bị trục xuất, trong đó 901 người là trên 50 tuổi và 303 người là người Jamaica./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục