Thủ tướng Anh nhận định về triển vọng đàm phán hậu Brexit với EU

Thủ tướng Johnson khẳng định “Anh đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra và điều rất quan trọng là các đối tác của Anh hiểu rằng nước này sẽ tiếp tục thực hiện những gì cần phải làm.”
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một sự kiện ở Coalville ngày 26/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một sự kiện ở Coalville ngày 26/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/9, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson cho biết nước này đã sẵn sàng cho mọi kết quả có thể từ các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit (Anh rời EU).

Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Johnson khẳng định “Anh đã sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra và điều rất quan trọng là các đối tác của Anh hiểu rằng nước này sẽ tiếp tục thực hiện những gì cần phải làm.”

Ông Johnson cũng cho rằng EU nếu "tinh ý" thì đã có thể đưa ra cho Anh một thỏa thuận thương mại "theo kiểu Canada" mà London đang tìm kiếm.

Thỏa thuận thương mại giữa EU và Canada, có hiệu lực một phần từ năm 2017, dỡ bỏ hầu hết thuế quan đối với các hàng hóa trong hoạt động thương mại giữa hai bên song không tác động nhiều tới hoạt động thương mại liên quan tới các dịch vụ tài chính - vốn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Anh.

[Brexit: Liên minh châu Âu kêu gọi Anh thỏa hiệp về vấn đề ngư trường]

Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, ngày 2/9 nhấn mạnh sẽ không có thỏa thuận thương mại hậu Brexit nào nếu hai bên không đạt được đồng thuận về vấn đề ngư trường, đồng thời cảnh báo nước Anh về việc sử dụng vấn đề này như một "sự mặc cả" trong các cuộc đàm phán hiện đang đình trệ.

Trong đoạn video trả lời trực tuyến với Viện các vấn đề châu Âu và quốc tế, ông Barnier cho rằng sẽ không có thỏa thuận về quan hệ thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU nếu hai bên không có thỏa thuận bền vững và công bằng về vấn đề ngư trường.

Ông Barnier cho rằng Anh không cho thấy bất kỳ sự sẵn sàng nào trong việc tìm kiếm sự thỏa hiệp trong đàm phán.

Theo ông Barnier, quan điểm kêu gọi thực hiện các cuộc đàm phán thường niên về hạn ngạch đánh bắt và sự tiếp cận ngư trường của Anh có thể khiến các ngư dân EU không được tiếp cận vùng biển của Anh.

Ông cũng lưu ý rằng các nông dân EU đã đánh bắt cá tại khu vực trên trong một thời gian dài trước khi Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU, vào năm 1973./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục