Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/9 xác nhận công ty lữ hành lớn của Anh Thomas Cook đã đề nghị chính phủ "giải cứu" với khoảng 150 triệu bảng Anh, nhưng ông bày tỏ lo ngại rằng sự bảo lãnh này có thể tạo ra tiền lệ về "bảo hiểm đạo đức" trong các trường hợp tương tự, khi các công ty phải đối mặt với những khó khăn thương mại.
Phát biểu với báo giới trên đường đến New York (Mỹ) dự khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Johnson cho biết: "Chúng ta cần xem xét các cách để các công ty lữ hành du lịch có thể tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ phá sản tương tự trong tương lai, và xem lại các hệ thống mà chúng ta đã lập ra để đảm bảo không kết thúc bằng việc dùng tiền đóng thuế của dân để hỗ trợ."
Theo Thủ tướng Johnson, câu hỏi đặt ra là "liệu các chủ doanh nghiệp này có xứng đáng" được hỗ trợ. Bày tỏ thông cảm với các hành khách bị ảnh hưởng do việc Thomas Cook thông báo phá sản, Thủ tướng Anh cho biết chính phủ của ông "sẽ làm tốt nhất để đưa họ về nhà."
[Thủ tướng Boris Johnson: Nước Anh sẽ là quốc gia tự tin, hướng ngoại]
Trong phản ứng cùng ngày, người phát ngôn về tài chính của Công đảng đối lập John McDonnell cho biết Chính phủ Anh cần can thiệp bằng gói giải cứu tạm thời cho Thomas Cook.
Trả lời phỏng vấn của Đài BBC, ông McDonnell bày tỏ "rất thất vọng" và cho rằng chính phủ "cần sẵn sàng làm nhiều hơn: can thiệp, ổn định tình hình và sau đó cho phép một kế hoạch dài hạn để phát triển."
Trước đó cùng ngày, tập đoàn Thomas Cook đã tuyên bố phá sản sau khi không thể đạt thỏa thuận giải cứu vào phút chót nhằm tìm kiếm khoản đầu tư trị giá 200 triệu bảng Anh (250 triệu USD) để chấm dứt 178 năm tồn tại và phát triển.
Quyết định trên đồng nghĩa với việc mọi hoạt động của Thomas Cook sẽ phải ngừng lại ngay lập tức, các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay của họ không được cất cánh và 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu (trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh) phải nghỉ việc.
Quyết định trên của Thomas Cook cũng sẽ ảnh hưởng tới 600.000 khách hàng./.