Vòng đàm phán thứ năm về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), gọi là Brexit, bắt đầu từ ngày 9/10. Thủ tướng Anh Theresa May đánh giá "bóng đang nằm trong chân của EU," trong khi nhiều vấn đề khó khăn trong nội bộ của nước Anh đang khiến châu Âu lo lắng.
Vòng đàm phán thứ năm diễn ra bốn ngày tại thủ đô của Bỉ là vòng đàm phán cuối cùng trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào các ngày 19 và 20/9.
Theo lịch trình của Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU, Michel Barnier, cuộc họp thượng đỉnh lần này sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng với việc các lãnh đạo EU sẽ đánh giá các "tiến bộ đầy đủ" trong giai đoạn một của cuộc thương lượng để cho phép chuyển sang đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa EU với nước Anh hậu Brexit, thời điểm dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2019.
Nữ Thủ tướng Anh sẽ có kế hoạch phát biểu trước Hạ viện nước này trong ngày 9/10. Theo một nguồn tin thân cận của chính phủ Anh, bà Theresa May sẽ trình bày quan điểm cho rằng "bóng nằm trong chân của EU" và lạc quan về việc sẽ nhận được câu trả lời tích cực từ phía châu Âu. Đồng thời, bà cũng kêu gọi EU mềm dẻo hơn để chuyển sang giai đoạn hai của cuộc đàm phán trong sự mong đợi từ phía Anh.
[EU: Đàm phán Brexit chưa đạt đủ tiến triển để bàn về tương lai]
Kịch bản theo dự tính của bà May tỏ ra khó khả thi khi mà các điều kiện do 27 nước EU đặt ra cho quá trình đàm phán giai đoạn một đến nay vẫn chưa đạt được. EU đưa ra yêu cầu phải đạt "tiến bộ đầy đủ" trong ba vấn đề ưu tiên liên quan đến cuộc chia tay như quyền của các công dân sống tại Anh, thanh toán các cam kết tài chính của Anh và tương lai đường biên giới với Cộng hòa Ireland.
Trước đó, ngày 3/10, phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cho biết hai bên chưa đạt được tiến bộ cần thiết để bước vào giai đoạn hai đàm phán về mối quan hệ tương lai với nước Anh.
Ông Michel Barnier nhấn mạnh giữa EU và Anh còn tồn tại nhiều bất đồng, nhất là trên vấn đề thanh toán tài chính. Theo phía EU, "hóa đơn ly hôn" ước tính ở trong khoảng từ 60-100 tỷ euro. EU chưa yêu cầu Anh đưa ra một con số cụ thể vào lúc này nhưng đòi hỏi phải đạt được thỏa thuận cơ bản về cách tính toán, nhưng trên thực tế vẫn còn xa để hai bên có thể đạt được yêu cầu này.
Vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi công dân EU sau Brexit cũng là một nội dung còn gây nhiều tranh cãi. EU và Anh vẫn chưa thể thống nhất được về vai trò của Tòa án Công lý châu Âu trong việc bảo vệ quyền của các công dân EU hiện sống tại Anh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức được tổ chức tại Tallinn vào cuối tháng Chín, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker đánh giá "từ nay đến cuối tháng 10, hai bên không thể đạt được tiến bộ đầy đủ, trừ phi có phép màu xảy ra."
Các nước châu Âu càng bi quan hơn khi họ lo lắng về những hậu quả đối với cuộc đàm phán trước bối cảnh vị thế ngày càng mong manh của Thủ tướng Anh Theresa May sau khi một nhóm nghị sỹ của đảng Bảo thủ cầm quyền để lộ kế hoạch bãi nhiệm bà May./.