Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi năm 2021 là “năm cực kỳ quan trọng đối với nước Anh toàn cầu”, khi ông cố gắng chuyển hướng tập trung từ vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) sang một chương trình nghị sự mới với tư cách là chủ nhà của cả Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26.
Ông Johnson hy vọng sẽ nắm bắt cơ hội từ viêc tổ chức hai sự kiện chính trị quốc tế quan trọng này để thúc đẩy hợp tác toàn cầu và củng cố uy tín của ông ở trong và ngoài nước.
Báo Financial Times cho biết các cuộc thảo luận tại Phố Downing đang đề cập tới việc sử dụng Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới, để đưa ra giải pháp mang tính toàn cầu nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, vạch ra chiến lược “xây dựng trở lại tốt hơn” cho thế giới và thể hiện sức mạnh của hệ thống quốc tế.
[Các nhà bán lẻ Anh gặp khó khăn do thỏa thuận thương mại Brexit]
Thủ tướng Johnson muốn thúc đẩy một liên minh mới được thành lập dựa trên nhóm các nền kinh tế lớn và đây là cơ hội để tái gặp mặt trực tiếp giữa nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới sau hơn một năm gián đoạn vì đại dịch.
Nếu tình hình dịch bệnh cho phép, Thủ tướng Johnson có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo G7 trước hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về các vấn đề bao gồm cách thoát khỏi đại dịch COVID-19 như tập trung vào vấn đề sản xuất và phân phối vắcxin và rút ra các bài học trước những trường hợp khẩn cấp về y tế có thể xảy ra trong tương lai.
Thủ tướng Anh cũng coi Hội nghị thượng đỉnh G7 là “bước đệm” cho Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu tại Glasgow vào tháng 11, cố gắng tạo động lực để cắt giảm lượng khí thải từ các nước công nghiệp phát triển.
Phần quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Glasgow sẽ là thảo luận về tiềm năng kinh tế và khả năng tạo việc làm của việc phát triển công nghệ để giải quyết biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó./.