Thủ tướng Anh Theresa May ngày 8/5 tuyên bố đảng Bảo thủ của bà vẫn sẽ giữ cam kết giảm số người nhập cư xuống còn "hàng chục nghìn người" mỗi năm nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/6 tới.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở thủ đô London, bà May nhấn mạnh quyết tâm của đảng Bảo thủ trong việc giảm số người nhập cư ròng xuống mức bền vững, là hàng chục nghìn người.
Theo bà, một khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nước này sẽ có cơ hội giám sát biên giới của mình do có thể áp dụng các quy định đối với những người từ EU vào Anh.
Mặc dù đảng Bảo thủ đã đưa ra cam kết giảm lượng người nhập cư ròng trên kể từ khi cầm quyền vào năm 2010, song đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được.
Theo số liệu thống kê chính thức, từ tháng 9/2015-tháng 9/2016, 273.000 người đã đến Anh, giảm 49.000 người so với cùng kỳ 1 năm trước đó.
Đây là lần đầu tiên lượng người nhập cư vào Anh ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2014.
[Thủ tướng Anh duy trì vị thế dẫn đầu trong các cuộc thăm dò]
Trong khi đó, cùng ngày, đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Anh Gonzalo Vargas Llosa cho rằng chính phủ mới của Anh cần nỗ lực giúp những người tị nạn thoát khỏi xung đột, theo đó, London cần tăng hạn ngạch định cư, tăng số người tị nạn đoàn tụ với gia đình và giảm số người xin quy chế tị nạn bị giam giữ.
Trong một bài báo đăng trên báo The Times số ra ngày 8/5, ông Llosa cho rằng "Anh là nước có lịch sử lâu đời giúp đỡ những người buộc phải di cư, và UNHCR kêu gọi chính phủ tiếp theo của Anh làm điều thích hợp và đảm bảo đối xử công bằng với tất cả những người tị nạn."
Theo ông, mỗi năm Anh cần bố trí việc định cư cho 10.000 tị nạn phải di cư khỏi các khu vực có xung đột, thay vì cam kết hiện nay là tiếp nhập 20.000 người Syria và 3.000 trẻ nhập cư dễ bị tổn thương vào năm 2020.
Ông Llosa nhấn mạnh việc bố trí định cư không chỉ mang lại lợi ích cho những người tị nạn mà nó còn giúp giảm phần nào gánh nặng đối với những nước đang phát triển vốn đang phải hàng triệu người tị nạn.
Ông cho biết những người tị nạn đang phải trải qua tiến trình đoàn tụ gia đình "phức tạp và nghiêm ngặt" của Anh, vốn chỉ cho phép trẻ dưới 18 tuổi đoàn tụ với cha mẹ.
Những trẻ em tị nạn ở Anh không được phép bảo lãnh bố mẹ hoặc anh chị em ruột. Ông Llosa kêu gọi Anh giảm số người tìm kiếm quy chế tị nạn bị giam giữ cũng như cho phép họ hòa nhập với cộng đồng dưới sự giám sát.
Theo số liệu thống kê của UNHCR, khoảng 65,3 triệu người trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong năm 2016, trong đó có gần 21,3 triệu người tị nạn.
Tính đến cuối năm 2015, khoảng 123.000 người tị nạn và 45.870 người xin quy chế tị nạn tại Anh./.