Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 27/2 đã "bật đèn xanh" để Anh đàm phán việc tiếp tục tham gia chương trình nghiên cứu khoa học "Chân trời châu Âu" (Horizon Europe) trị giá 85 tỷ bảng sau khi nước này đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Đây là chương trình tài trợ cho các nghiên cứu của các nhà khoa học, sinh viên và ngành công nghiệp thuộc các nước trong khối EU.
Tuyên bố được những người đứng đầu các tổ chức nghiên cứu khoa học Anh nhiệt liệt hoan nghênh, vì trước đây có những lo ngại vấn đề hợp tác nghiên cứu có thể sẽ trở thành điểm mặc cả tại các cuộc đàm phán thương mại chung.
[Anh công bố thứ tự ưu tiên trong đàm phán thỏa thuận thương mại với EU]
Chủ tịch của tổ chức Royal Society (Anh), người từng nhận được giải thưởng Nobel, giáo sư Venki Ramakrishnan hoan nghênh quyết định nói trên của Chính phủ và cho rằng Anh cần nhanh chóng tiến hành đàm phán với EU, để Bộ Tài chính phân bổ ngân sách đóng góp cho Horizon Europe.
Ông Ramakrishnan cho rằng thế mạnh hiện nay trong lĩnh vực khoa học của châu Âu phụ thuộc vào việc tiếp tục hợp tác với Anh.
Những thập niên gần đây, việc hợp tác và phối hợp chặt chẽ cùng với các chương trình tài trợ nghiên cứu đã làm châu Âu trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh trên thế giới.
Trong báo cáo đưa ra quan điểm của chính phủ đối với các cuộc đàm phán với EU, ông Johnson cho biết Anh sẽ "cân nhắc" để tiếp tục tham gia Horizon Europe cũng như các chương trình khoa học và kỹ thuật khác như chương trình Euratom nghiên cứu và đào tạo hạt nhân và Copernicus, chương trình quan sát trái đất của châu Âu.
Chính phủ Anh đang nỗ lực để có được mối quan hệ gần gũi nhất có thể với chương trình Horizon Europe.
Tuy nhiên thỏa thuận này còn phụ thuộc vào quyết định của EU, việc cho phép Anh tiếp tục tham gia chương trình Horizon Europe đó là vì lợi ích của EU vì Anh có thế mạnh trong công tác nghiên cứu. Mối quan hệ trong tương lai tùy thuộc vào mức độ Anh sẽ đóng cho quỹ để tham gia chương trình./.