Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh David Cameron tiếp tục đưa ra những tuyên bố bác lại lý lẽ của các phe vận động Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trước cuối năm 2017 về việc ra đi hay ở lại liên minh này.
Trong tuần này, Thủ tướng Cameron sẽ tới Iceland tham dự Diễn đàn Tương lai phương Bắc. Báo giới Anh ngày 26/10 cho hay phát biểu tại đây, ông Cameron sẽ bác bỏ những kêu gọi của các nhóm muốn Anh rời khỏi EU rằng London vẫn có thể duy trì mối quan hệ đặc biệt với EU giống như Na Uy hay Thụy Sĩ - những nước châu Âu nằm ngoài EU.
Theo ông, Na Uy vẫn phải trả một khoản phí khổng lồ để tiếp cận thị trường chung châu Âu nhưng vì nước này không phải là thành viên EU nên họ cũng không có quyền đặt ra các quy định của thị trường chung mà chỉ có quyền thực hiện. Thụy Sỹ cũng phải thương lượng tiếp cận từng khu vực trong thị trường chung. Nước này hoặc là chấp nhận các quy định của EU - nơi họ không có tiếng nói - hoặc sẽ không được tiếp cận hoàn toàn thị trường chung, trong đó có cả những khu vực chủ chốt như dịch vụ tài chính.
Thủ tướng Cameron cũng bác bỏ đề xuất tiến hành hai cuộc trưng cầu ý dân về EU mà Thị trưởng London Boris Johnson ủng hộ, theo đó cuộc thứ nhất vẫn được tổ chức theo kế hoạch của Thủ tướng là trước cuối năm 2017 và cuộc thứ hai được tiến hành vào một thời điểm sau đó về mối quan hệ giữa hai bên nếu như cuộc thứ nhất cho kết quả Anh rời khỏi EU.
Liên quan đến việc Anh sẽ ra đi hay ở lại EU, ông Cameron khẳng định sẽ chỉ có một cuộc trưng cầu ý dân duy nhất và một kết quả cho dù thế nào cũng sẽ không thể đảo ngược.
Báo giới Anh bình luận rằng bài phát biểu của Thủ tướng Cameron tại Iceland sắp tới cho thấy ông đang tăng tốc quá trình chuẩn bị tái đàm phán với EU trước khi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân quyết định việc ra đi hay ở lại của Anh tại liên minh gồm 28 nước thành viên này. Iceland không phải là nước thành viên EU, nhưng Thủ tướng Cameron sẽ sử dụng diễn đàn này để vận động hành lang các nước thành viên EU vùng Baltic và Scandinavia.
Trong khi đó, nhóm vận động ủng hộ Anh ở lại EU sẽ phát động một chiến dịch quảng bá nhấn mạnh một nghiên cứu mới cho thấy trung bình mỗi người Anh sẽ vẫn phải trả 115 bảng/năm (tương đương 176 USD) cho EU nếu theo lựa chọn mô hình quan hệ với giống Na Uy.
Ông Will Straw, một trong những phụ trách điều hành chiến dịch "Britain Stronger in Europe" (Nước Anh mạnh hơn trong châu Âu) ủng hộ Anh ở lại liên minh này, nói: "Dù chúng ta biết rằng rời khỏi EU sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế nhưng chúng ta vẫn không biết mức độ tổn thất sẽ lớn nhỏ như thế nào. Các đánh giá mờ nhạt từ cả hai chiến dịch rằng Anh có thể mạnh hơn khi tách khỏi đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta là chưa đầy đủ trong cuộc tranh luận này"./.